Đối với người Huế mà nhất là những người lớn tuổi, nếu có món ăn nào đó có vị đắng mà họ chết mê chết mệt thì chắc chắn không phải là sô cô la đen đắt tiền nhập khẩu này nọ mà đó chính là món nấm tràm. Nấm tràm không phải có quanh năm mà chỉ xuất hiện vào mùa hè và mùa thu, và chỉ mọc sau những cơn mưa giông những hôm trước. Thế nên, có khi ăn nấm trong mùa hè và mùa thu rồi mà vẫn còn thòm thèm thì khi mùa nấm đến họ tranh thủ mua rất nhiều về cạo sạch và phơi khô dưới nắng giòn để khi hết mùa họ vẫn còn có nấm tràm để nấu ăn dù nấm khô không ngon và ngọt bằng nấm tươi.
Nghe người ta kể sở dĩ nấm tràm có tên như thế là vì nó được mọc lên từ mùm của lá và vỏ cây tràm rụng. Hồi nhỏ cứ đến mùa nấm tràm là tôi thấy khổ sở bởi trên mâm cơm sẽ thường xuyên xuất hiện món yêu thích của mẹ tôi: nấm tràm nấu canh với rau khoai hoặc rau tập tàng (tổng hợp) và tôm sông Hương. Ngày ấy, cái vị đắng đó khiến tôi rất sợ, nhất là phải uống nước sau mỗi bữa ăn có nấm tràm. Cái vị đắng còn đọng lại trong miệng khi gặp nước trong thì càng đắng ngắt. Mẹ tôi dù thương con nhưng khi phải đắn đo có nên nấu món khoái khẩu này của mình hay không, mà nhất là nấm chỉ mọc theo mùa, thì mẹ tôi đành làm theo ý mình một đôi lần. Có thể nhờ mẹ tôi “bướng bỉnh” như thế nên lâu dần, tôi đâm nghiền cái vị đăng đắng, ngòn ngọt và béo ngậy của mấy cây nấm tràm bụ bẫm.
Dù là nấu canh hay nấu cháo, mẹ tôi cũng đều um nấm với tôm và thịt xong rồi mới nấu. Hơn 30 mùa nấm tràm qua, mẹ tôi nấu cho tôi ăn còn tôi chỉ phụ việc cạo và gọt nấm. Mùa nấm tràm năm nay, tôi đi chợ mua được mớ nấm búp bụ bẫm đầu mùa ngon lành và muốn tự tay nấu cho mẹ dùng để kích thích vị giác lâu nay đang bị chai lì của mẹ. Nhìn mớ nấm tôi mua, mẹ tôi ưng ý lắm nên bảo tôi nấu cháo. Mẹ muốn đảm bảo rằng tôi nấu đúng với khẩu vị của mình nên “giám sát” từng bước nấu của tôi rất kỹ.
Đầu tiên tôi phải cạo lớp ngoài của tai nấm và chân nấm rồi cho vào thau nước lã đã hòa muối sống. Mẹ tôi nhắc tôi là phải nấu nước cho sôi rồi mới thả mớ nấm đã ngâm muối và rửa sạch vào và đợi cho nấm sôi qua rồi mới tắt bếp. Mẹ bảo làm như thế cho nấm bớt vị đắng. Khi nấm đã chần qua nước sôi xong, tôi đổ nấm vào thau nước lạnh cho mau nguội rồi vắt ráo nước. Để cho cháo nấm có vị đậm đà hơn, mẹ dặn tôi xào sơ tôm thịt với nấm, dầu ăn và gia vị trước. Sau khi cháo gạo vừa chín tới, tôi đổ nấm đã um với tôm thịt vào nấu tiếp cho đến khi cháo sôi thêm lần nữa. Sau khi nêm nếm thêm thắt gia vị, tôi thấy nồi cháo của mình có lẽ đã vừa miệng nên thắc thỏm xắt hành lá vào rồi tắt lửa và múc cháo ra bát.
Tôi đặt nhẹ nhàng một bát cháo nấm tràm nóng bốc khói và một trái ớt xiêm trước mặt mẹ tôi và lẳng lặng đi múc bát cháo khác cho mình. Tôi không dám hỏi mẹ xem có ngon không như những lần tôi nấu các món khác bởi sao tôi dám tự tin mình có thể nấu ngon món yêu thích nhất của mẹ tôi được. Mẹ tôi khéo léo và nhanh nhẹn chuyện bếp núc bao nhiêu thì con gái mẹ vụng về và chậm chạp bấy nhiêu. Điều duy nhất tôi vững tin mỗi khi nấu ăn cho mẹ tôi là tôi nấu bằng cả tình yêu thương và vì lúc nào tôi cũng may mắn được mấy o mấy chị ngoài chợ Kim Long để dành cho những mớ rau con cá ngon nhất nhì của họ.
Mẹ tôi vừa ăn vừa thổi bát cháo nóng hổi trong tiết trời nóng bức và không nói gì nên tôi cũng không dám đả động hay hỏi han gì thêm cho đến khi tôi ăn hết bát cháo mà tôi ngầm thấy tự hào trong lòng. Tôi đứng dậy định múc cho mình một bát nữa và khẽ liếc vào chiếc bát đã trống trơn của mẹ, tôi hỏi khẽ: “Con múc thêm cho mẹ một tô nữa hí?” Mẹ tôi liền gật đầu, mặt rất tươi. Niềm vui trong tôi vỡ òa và lúc ấy tôi mới dõng dạc hỏi: “Ngon không mẹ?” Mẹ tôi đáp gọn: “Ngon!” Và đứa con gái vụng về là tôi lúc ấy chỉ biết cảm ơn những cơn mưa giông mấy hôm trước đã mang nấm tràm về.
(Bài đã đăng trên báo Thanh Niên Tuần San số ngày 9 tháng 6 năm 2017)