Làm Bánh Gấc Kiểu Huế

bánh gấc

Mình luôn nghĩ mình là người may mắn vì dù không khéo tay nhưng lúc nào cũng được ăn ngon nhờ được sống gần những người khéo tay hay làm (trong đó có dì Hương). Thỉnh thoảng dì ghé qua nhà, gửi tặng mình món bánh, món mứt hay món gì đó dì mới làm. Món nào dì nấu cũng có vị thanh tao và nhẹ nhàng như chính tính cách con người dì.

Hồi nhỏ lúc mới 5,6 tuổi, dì đã được chính tay bà nội dạy làm bánh vì bà nội có lò bánh truyền thống nổi tiếng nhất Huế thời đó tên là Bánh Bà Thơm. Bà nội cũng được học nghề làm bánh từ bà cố và nghề làm bánh này đã truyền từ bao nhiều đời trước. Lò bánh của bà nội nhận làm tất cả các loại bánh từ cung đình cho đến dân dã để bỏ mối ở chợ Đông Ba hay nhận làm bánh cho các dịp hiếu-hỷ.

Một trong những loại bánh mà giờ đây hiếm người làm là bánh Hồng Đào Ngụy Quả hay có cái tên dân dã là món bánh gấc. Bánh này thường được người Huế bày biện trong các dịp vui như đám cưới hay khai trương.

Dưới đây là công thức làm món bánh gấc gia truyền mà dì Hương vẫn còn giữ gìn.

I. Nguyên liệu

– Nếp: 300gr

– Gấc chín: 100gr

– Đậu xanh: 200 gr

– Dừa nạo: 100 gr

– Vừng rang sẵn: 10gr

– Đường: 100gr

– Vani: 2 ống

– Dầu ăn: 2 thìa

– Lá chuối, lá dứa, lá chanh

II. Cách thực hiện

1. Chuẩn bị

– Ngâm đậu xanh trong 3 giờ rồi đãi sạch vỏ và để ráo.

– Ngâm nếp 4 giờ rồi để ráo rồi giã hoặc xay bằng máy, rây mịn.

– Rửa sạch lá dứa, lá chuối và lá chanh rồi để ráo.
– Cắt lá chuối thành từng miếng nhỏ hình tròn

– Dùng dao bổ đôi quả gấc ra, lấy hết phần thịt đỏ bên trong ra một chiếc bát.

Lưu ý: Khi mua bạn phải lựa chọn gấc đã chín, chín trên cây càng tốt, tránh bị ngâm thuốc gây hại sức khỏe của mọi người. Gấc chín đỏ tươi, căng mọng, gai đều, nhìn tươi ngon.

2. Cách làm nhân

– Cho phần đậu xanh vào nồi đổ nước xâm xấp nấu cho đến khi đậu nở mềm, một nhúm muối nhỏ khoảng 1/4 thìa cà phê, 70gr đường sên với lửa nhỏ, đảo đều tay khi đậu gần khô thả dừa nạo vào rồi đảo đều đến khi đậu xanh trở lên khô ráo hơn vun thành khối trên chảo, không chảy ra là đậu đã được. Có thể cho một chút vani hoặc dầu chuối để phần nhân có mùi thơm hấp dẫn hơn.

– Để nhân đậu xanh nguội rồi nặn thành những viên có đường kính khoảng 1,5cm.

 2. Cách làm vỏ bánh

– Để làm vỏ bánh gấc đỏ, bạn lấy phần nước thịt gấc trộn đều với bột nếp

– Hòa 30 gr đường và ¼ thìa muối với 30ml nước rồi đun sôi. Đổ hỗn hợp này vào bột nếp đã trộn gấc rồi nhào đều tay để phần bột ngấm được hết gấc. Sau khi nhào nặn bạn sẽ có thành phẩm bột dẻo, màu đỏ, có thể nhào nặn bánh không bị dính tay là được.

– Dùng hai tay lăn bột thành khối trụ, sau đó chia đều thành những viên nhỏ cỡ quả tắc/quật (đường kính khoảng 2cm)

– Có bao nhiêu vỏ bánh thì bạn làm bằng đó nhân.

3. Cách nặn bánh

– Đối với phần vỏ bánh đã nặn sẵn, bạn chỉ cần lấy tay vo viên lại cho dẻo bột, tạo một phần lõm rồi cho nhân đậu xanh vào bên trong và gói lại cho vỏ bánh kín phần nhân là được. Hình bánh tròn, vuông là do bạn nặn.

– Sau khi tạo hình bánh xong bạn đặt bánh lên miếng lá chuối nhỏ và có thể đem đi hấp, còn không vội thì có thể để bánh 15 phút cho bánh định hình ổn định rồi đi hấp bánh càng ngon.

– Chuẩn bị nồi hấp, cho nước vào nồi, nước sôi cho lá dứa vào đặt lồng hấp bên trên, sau đó đặt bánh gấc bên trên đậy vung vào hấp khoảng 10 phút là bánh có thể chín (khoảng 5 phút thì mở vung cho hơi thoát ra ngoài bớt để mặt bánh không bị rổ). Chú ý: Hấp bánh với lửa vừa.

– Tắt bếp lấy bánh ra, chờ cho bánh nguội thì làm khâu trang trí tiếp theo.

III. Yêu cầu của món ăn

Bánh chín cả trong lẫn ngoài, có màu đỏ tươi của gấc, mùi ngọt dịu thơm và có mùi đặc trưng của gấc quyện với đậu xanh và nước cốt dừa là đạt yêu cầu.