Tôi đã từng nghĩ nói tới du lịch thì phải kể đến những chuyến đi càng xa càng tốt, càng lạ càng hay nhưng rồi sau những chuyến đi lang thang trong tỉnh tôi đã nghĩ khác. Đi gần nhà, tôi vẫn được trải nghiệm nhiều điều bổ ích và mới lạ không khác gì những chuyến đi vượt hàng nghìn cây số và điều quan trọng hơn cả là tôi biết nhiều ngóc ngách của quê mình hơn.
Ngược lên vùng cao A Lưới
Cách đây hơn 4 năm, tôi ngồi kiểm điểm lại những nơi chốn mình đã đi qua và thấy thiếu A Lưới – vùng đất cạnh biên giới Lào mà tôi chỉ được nghe kể chứ chưa lần nào đặt chân đến dù Thị trấn A Lưới chỉ cách Thành phố Huế chừng 70 km. Thế là nhân dịp nghỉ lễ Quốc tế Lao động, tôi liền lên kế hoạch đi thăm huyện miền núi này. Lúc ấy có chị bạn cũng muốn đi cùng nên chuyến đi ấy tôi không đi một mình mà có thêm chị và con gái chị làm bạn đồng hành. Đến bến xe rồi chúng tôi mới ngả ngửa ra là do đang là dịp nghỉ lễ nên chuyến xe khách sáng đó chật ních người, không thể chen lên được. Chúng tôi đành đợi và đón chuyến xe trưa khởi hành muộn hơn nhưng hỡi ơi chuyến này còn khủng khiếp hơn.
Đó là chiếc xe khách cũ kỹ, bệ rạc, bẩn thỉu và đông đúc đến ngột thở dù cửa xe không hề đóng kín. Những bộ phận máy móc dính đầy dầu nhớt và vật liệu xây dựng được chuồi dưới ghế hành khách hay bất kỳ nơi đâu còn chỗ trống nên hầu như áo quần và túi xách ai cũng bị dính bẩn. Trên con đường núi đất đá lởm chởm, xe vẫn lạn lách và chạy vun vút trong khói bụi mịt mù. Lâu lâu xe tắt máy giữa đường nên lái xe và lơ xe phải dừng xe một chốc sửa chữa rồi chạy tiếp. Đang đi thì xe lại xịt lốp nên hành khách đang lơ mơ ngủ tỉnh giấc, họ nhốn nháo xuống xe tìm bóng mát để ngồi nghỉ rồi lại cuống cuồng lên xe tìm lại chỗ ngồi khi tài xế đã thay lốp xong. Từ cửa chính cho tới cửa sổ đều mở toang hoác nên khi xe chạy nhanh và giằn xóc, tôi có cảm giác như gió đang lồng lộng ùa vào muốn đẩy hết hành khách đang mệt mỏi vì say xe và nắng nóng văng ra khỏi chiếc xe cà tàng cà khổ đó. Còn những lầu sau này tôi lên A Lưới vào mùa mưa thì đường đang thi công nên lầy lội, chật hẹp và càng khó đi gấp nhiều lần. Lên A Lưới thời gian ấy mới thấy thương người dân miền núi và những người buôn xuôi bán ngược từ đồng bằng lên vùng cao. May mà đó là chuyện cách đây hơn 4 năm rồi. Giờ đây, đường lên A Lưới rải nhựa mịn màng và láng bóng còn xe khách thì tốt và sạch sẽ hơn nhiều. Đường dễ đi hơn nên có vài lần tôi một mình lái xe máy lên tận nhà chị Đàm, chị Ngành bên con suối Tà Rình hay nhà Xâm gần thác A Nôr.
Bạn của tôi ở A Lưới không chỉ là mấy chị mấy o mà còn có mấy bạn nhỏ tuổi đang đi học. Lần nào lên lũ chúng tôi cũng đi hái quả, đi lội suối và tắm thác A Nôr cùng nhau. Thói quen đó tôi chưa thấy chán bao giờ. Sương và Nga còn dạy tôi học tiếng Pako để tôi có thể nói những câu đơn giản khi gặp các “a cả” (bà) hoặc các em nhỏ không nói tiếng Kinh. Hồi tôi còn bé, mẹ tôi kể mẹ đã từng sống và chiến đấu trên rừng Trường Sơn bên cạnh những đồng bào người Pako và Tà Ôi. Mẹ bảo người vùng cao sống chất phác và thảo ăn(*). Tôi vẫn còn nhớ mẹ tôi hay nhắc một vài từ Pako đơn giản như “a em” (em) hay “a tào” (mía). Khi gặp Sương và Cu Bàng lần đầu tiên bên con suối A Nôr, tôi đã thật sự xúc động vì cuối cùng tôi cũng được nói chuyện với những người dân Pako nghèo khó mà hồn hậu bằng xương bằng thịt chứ không phải tưởng tượng từ những câu chuyện mẹ tôi kể ngày nào.
Càng gần gũi những người bạn đó, tôi thấy nhiều người trong số họ dù nghèo khổ nhưng sống bình thản và hài hòa với thiên nhiên quanh mình. Có thể họ không được ăn những của ngon vật lạ nhập khẩu từ nước này nước kia hay sống trong tiện nghi hiện đại, nhưng chí ít họ được hít thở không khí trong lành, ăn lúa gạo mình tự trồng hay ăn rau dại trái rừng. Có lần tôi phải phì cười khi Xâm bảo tôi lên A Lưới để Xâm chia bớt cho tôi vài lon gạo Xâm tự trồng mang về ăn khi tôi than phiền với chị qua điện thoại rằng hầu như lúa gạo, rau quả, thịt cá hay cái gì ăn được ở đồng bằng cũng có hóa chất cả.
Chuyến đi A Lưới đầu tiên ấy đã cho tôi cơ duyên gặp gỡ những người dân Pako thật thà và hiếu khách để rồi tôi may mắn có thêm nhiều người bạn quý – những người sẵn sàng nhịn miệng ăn của mình và mấy đứa con nhỏ để dành phần ngon đãi tôi mỗi khi tôi lên thăm nhà họ, và cả những người dẹp công việc nương rẫy sang một bên để lên suối lặn hụp trong nước mấy tiếng đồng hồ chỉ để bắt cá về nấu cho tôi bữa ăn tươm tất hơn ngày thường. Tôi nhớ nhung những chiều mưa lay bay khi những đỉnh núi quanh nhà bị mây che kín, tôi ngồi bên bếp lửa với các chị kể chuyện vui, chuyện buồn và cả những chuyện thầm kín chất chứa trong lòng mà người ta chỉ kể với người gọi là tri kỷ.
(*) Sẵn sàng nhường hay chia sẻ đồ ăn của mình với người khác.