Cứ mỗi lần nhớ tới Bagan, khuôn mặt nhợt nhạt và dáng người gầy gò của chị lại hiện lên trong tâm trí tôi rõ mồn một. Chị là Chyo Mar San ở Bagan, Myanmar. Tôi thấy chị lần đầu tiên là vào một buổi sáng đi dạo chụp ảnh gần khu vực khách sạn. Thay vì lê la quanh những ngôi đền cổ nhưng những ngày trước, tôi quyết định rẽ vào một con hẻm nhỏ để xem nó dẫn tới đâu.
Con đường đất cát đưa tôi đến một xóm nhỏ có những cây thốt nốt cao vời vợi. Qua hàng rào có cánh cửa xiêu vẹo làm bằng cành cây, tôi thấy một người phụ nữ ngồi bó gối bên bếp lửa ngoài trời. Chị đang nấu cơm sáng. Từ ngoài nhìn vào có thể thấy hết mọi thứ bên trong túp lều mái tranh vách nứa tuềnh toàng không có cửa. Có một cái giường kê sát vách, một cái bàn hẹp để dụng cụ nấu ăn, hai cái ghế tre có lưng dựa và một chiếc xe đạp.
Chị ngước lên nhìn tôi, đôi mắt không hề tỏ vẻ bất ngờ. Tôi mỉm cười nhìn chị rồi cất tiếng chào. Khuôn mặt hiền từ của chị như nhẹ nhàng đưa bước chân tôi đi qua cánh cổng đang khép hờ. Tôi đến bên chị rồi ngồi xuống sát bếp lửa. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện bằng thứ tiếng Anh rời rạc, đứt quãng cộng với sự trợ giúp của ngôn ngữ cử chỉ nữa. Rồi chúng tôi im lặng. Nồi cơm trên bếp đã cạn. Không gian đang yên tĩnh bỗng tôi nghe tiếng trẻ con trở mình tỉnh giấc.
Chị vào giường vén màng bồng đứa bé trai chừng ba tuổi mặt còn ngái ngủ lên tay. Khant Ko Ko là một cậu bé kháu khỉnh, da đen nhẻm và đôi mắt tròn xoe. Sau một hồi nũng nịu mẹ, thằng nhóc bắt đầu chạy chơi một mình trên nền nhà bằng đất.
Cơm chín. Chị đơm cơm còn nóng hổi vào một cái bát bằng inox rồi nhỏ vào một ít dầu ăn và trộn đều bằng tay. Chị đưa tôi thử một miếng. Những hạt cơm béo ngậy, nhàng nhạt. Chẳng rõ chị đã thêm muối chưa. Đó là cơm chị chuẩn bị để đem đi cho chồng. Trước khi tôi ra về, chị mời tới nhà chị ăn trưa nhưng tôi có kế hoạch đi Popa, ngọn núi thiên của người dân ở đây, nên tôi hẹn đến ăn cơm tối với gia đình chị.
Như đã hẹn, khi nắng bắt đầu bớt gay gắt, tôi đi bộ đến nhà chị vẫn trên con đường cát bụi đầy dấu chân người và dấu lốp xe đạp ấy. Vừa quẹo vào con hẻm thì thấy chị đạp xe ra. Ở ghi đông phía trước, Khant Ko Ko đang ngồi chiễm chệ trên cái ghế sắt còn ở yên sau chị chở thêm bó củi. Hình ảnh đó khiến trái tim tôi ấm áp khi nhớ về mẹ và những chuyến đi mẹ chở tôi trên xe đạp. Tôi cũng ngồi trên một chiếc ghế sắt móc ở ghi đông như thế hay ở yên sau.
Chị bảo tôi cứ vào nhà đợi chị, chị đi một chốc rồi sẽ về. Đang tha thẩn ngắm hoàng hôn đang dần buông, tôi gặp một anh miệng nhai trầu, tay bế đứa bé con trên tay còn bên cạnh có thêm một cô nhóc và một cậu nhóc lẽo đẽo theo cùng nữa. Qua cử chỉ của anh, tôi đoán anh muốn kể cho tôi rằng mẹ của mấy đứa nhỏ đã mất. Hai đứa bé mặt mày lem luốc bụi đất, áo quần xộc xệch và đi chân trần nhìn tôi cười rạng rỡ. Khi ba của chúng đã bồng em về rồi, chúng còn nán lại bên tôi. Chúng trêu ghẹo nhau rồi làm đủ trò hề để tôi chú ý. Nhìn mái tóc cắt lên dốc xuống đèo ngố ngố của bé gái mà tôi thương quá là thương.
Mấy phút sau chị về rồi em gái Chyo Mar Than của chị đi xe máy đến mang theo hai cái đĩa sành to, sạch sẽ. Sau này tôi đoán ra là chị không có đĩa sành nên em gái chị mượn từ nhà của mẹ chị ở gần đó mang đến. Khác với người chị gái, chị Mar Than dáng người hơi cứng, tóc tai và cách ăn mặc không khác gì đàn ông con trai. Một lúc sau thì anh chồng của chị cũng về tới. Chị dọn mấy đĩa đồ ăn trên chiếc giường duy nhất trong nhà rồi mời tôi ăn. Có món thịt heo kho, món rau trộn dầu, vài miếng bánh ram chị mua ngoài đường và một dĩa cơm. Chị giục tôi ăn và giải thích là mọi người đã ăn rồi. Tôi hơi bất ngờ bởi trong đời mình đây là lần đầu tiên tôi được mời tới nhà người ta ăn cơm và tôi phải ăn một mình. Nài nỉ mãi vợ chồng chị mới ngồi ăn cùng còn chị Mar Than thì nhất quyết từ chối.
Ăn cơm xong, tôi và cả nhà ra ngồi trước sân hóng mát. Nhìn qua tán cây che trước sân, tôi thấy trăng đã gần tròn. Còn vài ngày nữa là Ngày Lễ Trăng Tròn của người dân khắp nước. Mấy ngày trước ở Yangon, khi đi trên tàu vòng cung chạy trong thành phố, tôi thấy từng nhóm người tổ chức đánh trống thổi kèn để quyên góp tiền ủng hộ các chùa ở từng địa phương. Còn giờ đây, trong mảnh sân nhỏ này, không gian yên tĩnh và ánh trăng dịu mát đang ôm lấy tôi thật nhẹ.
Khi tôi ra về hai vợ chồng chị và bé Khant tiễn tôi một đoạn vì họ tiện đường ra ngoài tiệm để sạc ắc quy. Bé Khant đi chân đất. Em nhìn lên bầu trời và đưa tay chỉ mặt trăng bên cạnh một ngôi sao duy nhất rồi em cười rạng rỡ. Lúc ba mẹ em bảo em nắm tay tôi, em cầm lấy ngón tay út của tôi thật chặc. Vừa đi chúng tôi vừa cười với nhau. Rồi em thả tay tôi ra, chạy thật nhanh về phía trước. Em lượm một cái túi ni lông bên đường, đội lên đầu rồi phá lên cười thích chí. Suốt đoạn đường chúng tôi chẳng nói gì nhiều nhưng tôi thấy rất thoải mái khi đi cạnh họ.
Thường thì khi đi du lịch, tôi hiếm khi nhảy cóc từ thành phố sang thành phố khác mà tôi chọn một thành phố mình thích và ở lì ở đó suốt cả tuần. Tôi cũng làm thế với Bagan. Thành phố thì nhỏ mà tôi lại có quá nhiều thời gian nên tôi cứ nhởn nhơ sống cuộc sống nơi này. Khi chị ngỏ lời rủ tôi qua nhà mẹ chị chơi, tôi đồng ý ngay. Thế là sáng hôm sau, tôi mượn xe đạp khách sạn để cùng sang nhà mẹ chị. Những con đường mòn hẹp chạy qua vùng đất khô cằn rồi len lỏi vào những nếp nhà tranh khi thì rải rác khi thì co cụm bên nhau.
Nơi ba mẹ của chị ở không phải chỉ là một ngôi nhà mà là một cụm những mái tranh nằm cạnh nhau. Tôi nhẩm tính chắc có chừng 20 người lớn bé sống trong đó. Mọi người thấy tôi tới thì vui vẻ đón chào như một người khách quý. Ở đó, tôi gặp Chit Ko Ko Aung, cháu của chị, lúc ấy đang làm nhân viên hồ bơi ở một khách sạn trong vùng. Em nói được một chút tiếng Anh nên nhờ em làm thông dịch bất đắc dĩ tôi nói chuyện được nhiều hơn với mọi người trong nhà.
Hôm đó là ngày trong tuần nên mấy cháu nhỏ đang chuẩn bị sách vở để đến trường. Bắt gặp hình ảnh cậu con trai nằm ẹp ra giường để viết bài mà tôi vừa buồn cười vừa thương. Hồi nhỏ, vào những ngày trời nóng, tôi cũng nằm ẹp trên nền xi măng để nắn nót tập viết chứ không chịu ngồi vào bàn ghế đàng hoàng. Ở gian nhà khác, một chị đang mài khúc thanaka trên bàn mài bằng đá có tẩm nước để bôi lên mặt. Ở Myanmar, người ta dùng bột mài từ vỏ cây thanaka bôi lên mặt như là một cách để chống chọi với cái nắng của miền đất cát khắc nghiệt này.
Nhờ ghé thăm nhà mẹ của chị mà tôi biết chị có thêm một đứa con trai nữa tên là Myo Min Pyi. Em ở nhà bà ngoại để đi học trường gần đó. Thấy mấy bạn nhỏ sửa soạn đi học tôi cũng háo hức lây nên bèn xin đi theo Myo Min Pyi và cô bé Nay Nay xinh xắn đến trường. Con đường làng dẫn tới trường dài chừng 1 cây số. Khi đến nơi, các em học sinh bắt đầu ngồi theo hàng trên sân và đồng thanh ê a đọc. Tôi không rõ các em đọc cái gì. Dù muốn biết lắm nhưng chị Mar Than đi cùng không nói tiếng Anh nên tôi đành chịu ôm nỗi tò mò đến tận bây giờ.
Những ngày ở Bagan tôi thật sự cảm nhận được lòng hiếu khách của từng người dân nơi đây. Gia đình của chị xem tôi như một người bạn của chị chứ không đơn thuần một du khách đến rồi đi. Họ mời tôi tối đến nhà ăn cơm nhưng tôi bận nên hẹn vào một hôm khác trong tuần. Những ngày đi đây đó một mình, những bữa trưa bữa tối chỉ có mình tôi lặng lẽ ngồi ăn. Tôi quen với chuyện ăn uống một mình khi đi du lịch và không lấy điều đó làm buồn nhưng nếu được ăn một hai bữa cơm gia đình (dù không phải là gia đình mình) trong suốt cuộc hành trình thì còn gì may mắn bằng.
Vì tôi không nhớ đường đến nhà mẹ chị nên mấy hôm sau, chị, chị Mar Than, Khant Ko Ko và anh trai chị đến trước khách sạn đón tôi. Dù trong ánh sáng mờ mờ tôi vẫn nhận ra chị không được khỏe. Chị thở nặng nề hơn mấy hôm trước và dáng vẻ mệt mỏi. Chị Mar Than chở chị và bé Khant còn anh trai chị chở tôi.
Buổi sáng mấy hôm trước chị đưa tôi đến nhà chơi bằng đường khác mà hôm nay trong ánh trăng mờ mờ tôi nhận ra họ đi bằng một con đường khác rộng hơn. Tôi thấy hơi là lạ nhưng tôi tin vào mình, tin vào họ và tin vào mặt trăng hiền dịu ở trên cao rằng chẳng có gì bất thường cả. Tôi đang mải ngắm trời ngắm mây thì xe đã đến nơi. Dưới ánh đèn điện tù mù tôi vẫn nhận ra khóm nhà ấy.
Khi đã vào nhà tôi mới hỏi kỹ hơn về sức khỏe của chị. Chị bảo hôm nay chị bị mệt nên đã đi khám bác sỹ và tiêm thuốc. Khi nghe chị bị bệnh tim, bao nhiêu sự hồ hởi trong tôi bay hết nhường chỗ cho nỗi lo lắng và áy náy. Sao chị không nghỉ ở nhà mà phải đích thân đi đón tôi? Tôi bỏ một bữa tối thì có sao đâu chứ. Sức khỏe của chị mới quan trọng mà. Chị xua tay bảo không sao.
Mấy chị bắt đầu bày thức ăn ra chiếc bàn nhỏ có trải khăn ca rô trên chiếc giường tre lớn mà hôm trước cậu bé kia đã nằm ẹp lên đây viết bài. Cũng như một số gia đình nghèo ở Huế ngày xưa, chiếc giường tre vừa là nơi nằm ngủ, vui chơi vừa là chỗ ngồi ăn cơm. Trước khi đến, tôi chờ mong một bữa cơm gia đình rộn rã mà trước mắt tôi trên bàn chỉ vỏn vẹn một cốc nước lọc, một đĩa cơm và ba bốn món ăn kèm. “Thôi rồi, họ lại để mình ăn một mình đây.” Phải chăng đây là tập tục của người dân hay chỉ có gia đình chị mới làm thế? Hoặc là họ ăn cơm rất sớm trước khi mặt trời lặn? Dù sao thì tôi cũng không thấy thoải mái ngồi ăn một mình như thế. Tôi lại một lần nữa mời mọc cả nhà ăn cùng tôi nhưng rốt cục chỉ có bé Nay Nay và Chit Ko Ko Aung ngồi vào bàn.
Tôi là người đam mê ẩm thực vậy mà từ ngày đến Yangon và Bagan, những món tôi đã thử khiến tôi thất vọng quá đỗi. Hầu như món nào ở các quán ăn cũng vừa nhiều dầu và nhiều muối. Nỗi thất vọng đó chợt tiêu tan khi tôi thử món cà ri cay mà gia đình chị nấu cho tôi tối hôm đó. Tôi chưa ăn được món nào ngon hơn thế suốt thời gian tôi ở đó.
Ăn xong buổi cơm tối, tôi muốn quay lại khách sạn sớm để chị còn được nghỉ ngơi nhưng chị bảo tôi ngồi lại chơi thêm chút nữa. Tôi cũng không biết làm sao nên đành nghe theo lời chị. Nay Nay bắt đầu hát cho tôi nghe. Cô bé như một con chim sáo nhỏ líu lo suốt buổi. Lúc ấy tôi chỉ ước mình nói được tiếng của họ để tôi tha hồ nói chuyện mà không cần phải cầu cứu đến em Chit Ko Ko Aung. Tôi còn ở lại Bagan thêm vài ngày nữa nên tôi nhờ em Aung dạy tôi mấy câu giao tiếp cơ bản. Tôi đọc tiếng Anh còn em dịch lại các câu đó bằng tiếng Myanmar. Tôi thu bài học đó vào máy ipod để bật lên nghe và đọc theo khi rảnh rỗi. Muộn còn hơn không. Tôi nghĩ thế.
Rồi đã đến lúc phải về. Tôi bỗng thấy quyến luyến vô cùng. Ba mẹ của chị bảo là lúc nào con rảnh hãy trở lại đây. Hãy xem nơi đây như nhà mình. Tôi dạ mà lòng thấy man mác buồn bởi biết lúc nào tôi mới quay lại được.
Buổi sáng trước khi rời Bagan, tôi thăm nhà chị lần cuối. Chị Mar Than cũng có mặt ở đó khi tôi đến. Anh Aung Ko Ko chồng chị đang quét nhà còn chị vẫn còn nằm cuộn mình trong chiếc chăn cũ xì. Chị vẫn còn rất ốm, trán chị nóng bừng. Chị Mar Than mua cho tôi một ít bánh ram để tôi ăn sáng. Bé Khant cầm mấy tấm ảnh chụp gia đình chị ra chơi. Nào là ảnh Khant Ko Ko hồi bé, ảnh hai vợ chồng chị đi thăm Shwezigon dát vàng – một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Bagan và nằm cách nhà chị không xa. Rồi hai chị lấy ra hai cái áo phông, loại mà người ta hay bán cho du khách, tặng tôi. Chưa bao giờ tôi nhận quà mà lại thấy xúc động đến thế. Hai cái áo nằm trong túi ni lông tầm thường ấy chứa đựng bao tình cảm mà hai chị và gia đình dành cho tôi. Có ai đó nói đúng, người nghèo vật chất nhất lại chính là người giàu tình cảm nhất.
Tôi đã gặt hái được quá nhiều điều hay từ chyến đi ấy, trong đó bài học về lòng thương yêu và sự hào phóng mà chị Mar San và gia đình chị tặng tôi khó có tiền bạc nào mua nổi.
Tháng 11 năm 2013