Ở Trọ Nhà Của Pao

Người mê du lịch Hà Giang hầu như ai cũng biết đến ngôi nhà này nhưng bằng một cái tên trong phim chứ không phải tên thật của nó. Người ta gọi là “nhà của Pao” bởi ngôi nhà cổ kính này nổi tiếng nhờ được chọn làm bối cảnh chính cho bộ phim Chuyện Của Pao của đạo diễn Ngô Quang Hải chứ kỳ thực ngôi nhà này do ông Mua Súa Páo xây năm 1947 và người chủ nhà bây giờ là bác Mua Sính Già.

Ngôi nhà có tường bằng đá xếp lên nhau còn cổng vào làm bằng gỗ có mái lợp ngói âm dương. Qua khỏi cổng là khoảnh sân rộng có hai căn nhà dựng lên bên phải. Trước mặt là một bức tường có cửa thông vào một căn nhà gỗ đồ sộ có bốn dãy xây vuông góc nhau theo hình chữ khẩu. Đứng ở ngưỡng cửa ngôi nhà, dãy đối diện là nơi gia đình bác Già ở, bên tay phải là của gia đình chị Chúa, bên trái là chuồng gia súc còn trên đầu ở tầng hai là hai phòng cho khách du lịch thuê. Đó là hai căn phòng bằng gỗ chung một bức vách ngăn bằng ván không quá cao nên ở phòng này có thể nghe rõ tiếng người ở phòng bên kia. Trong phòng chẳng có nội thất gì nhiều ngoài một cái tủ, một cái bàn và tấm nệm trải trên sàn nhà. Đây khó có thể gọi là một phòng nghỉ dành cho khách du lịch mà chỉ là nơi để khách phượt ngả lưng qua đêm khi đi thăm thú vùng cao nguyên đá bằng xe máy. Ngay chỗ ra vào ngôi nhà này có gian hàng bán đồ lưu niệm của gia đình anh Lùng. Vợ chồng anh và hai con gái nhỏ không sống trong ngôi nhà này mà ở cách đó chừng 500 m, trên con đường chính hay còn gọi là con đường Hạnh Phúc.

Phòng tôi ở có một cái cửa sổ nhìn xuống sân nhà và một lỗ thông hơi có dáng hình kỳ lạ. Nó có hình lăng trụ, đáy nhỏ hình vuông chĩa ra ngoài còn đáy lớn hình chữ nhật hướng vào bên trong. Qua cái lỗ thông hơi đó, tôi có thể thấy được cả cổng làng, vườn hoa tam giác mạch và một đoạn con đường chính.

Lúc tôi tới là đầu mùa tam giác mạch, trời lạnh buốt nhưng hầu như ngày nào khách du lịch cũng tấp nập ghé xem và chụp ảnh vườn hoa đang lấm tấm nở hồng ở đầu cổng làng trước khi vào thăm “nhà của Pao”. Ban ngày, ngồi ở đâu trong ngôi nhà ấy tôi cũng nghe tiếng người cười nói xôn xao của du khách đến rồi đi không biết bao lần. Vì ngôi nhà là địa điểm tham quan, nên khách thoải mái vào tận bếp của các gia đình còn người trong nhà bỗng trở thành người mẫu cho khách chụp ảnh. Có bữa tôi và cả nhà bác Già đang ăn trưa thì có người khách đứng ngoài cửa sổ nhìn vào và chụp ảnh chúng tôi. Ánh đèn flash lóe sáng khiến tôi bực mình lắm. Nếu tôi không trọ ở đó mà chỉ đến rồi đi như họ, tôi chắc sẽ không hề có cảm giác khó chịu như thế. Không hiểu người trong nhà cảm thấy ra sao khi ngày nào cũng có bao nhiêu lượt khách (trong đó có tôi) muốn chụp ảnh họ và chụp ảnh cùng họ. Có thể họ quen việc đó rồi cũng nên. Dù sao đây cũng là cách mưu sinh mới của họ.

Tôi mê ngôi nhà này nhất là vào mỗi sáng sớm thức dậy khi tiếng lục lạc bò rung lên từ chuồng gia súc bên dưới. Tiếng thái cỏ nhịp nhàng, tiếng xoong nồi lẻng xẻng, tiếng gà mẹ kêu tục tục gọi đàn con, tiếng người nói khe khẽ khiến tôi thấy bình yên và thân yêu quá đỗi. Đó là tiếng chuông báo thức thật dễ chịu mà tôi ước mình có thể mang nó về nhà. Đẩy nhẹ cánh cửa sổ, tôi liếc qua mái ngói nâu cũ và thấy mây quấn quýt lấy chóp núi phía xa xa. Khói bếp cuộn lên ấm cúng đến nao lòng. Tôi nhớ đến những lần về quê mẹ vào những dịp kỵ giỗ hay ma chay lúc tôi còn bé, những buổi sáng khi trời còn chưa tỏ mặt người, trong tiết trời se lạnh, tôi cũng được đánh thức bằng những âm thanh và mùi vị vô cùng mộc mạc và thi vị như thế.

Quanh ngôi nhà bác Già chẳng có gì chơi nên ngủ dậy là tôi lại chui vào bếp gia đình bác nằm đối diện phòng tôi hay qua nhà chị Chúa ở ngay bên cạnh. Trời tháng 10 mưa rét căm căm nên tôi chỉ la lết trong bếp với mấy dì mấy mẹ hay lũ trẻ con để sưởi ấm và học tiếng H’mông. Bọn nhỏ hào hứng dạy tôi học những lúc chúng có nhà.

Những lúc tạnh ráo, tôi đi bộ lên núi phía sau nhà để ngắm nghía ngôi làng từ trên cao hay đi theo cô bé con anh Lùng băng qua vườn tam giác mạch theo đường tắc về nhà, hay ghé nhà bà hàng xóm để xem bà xe sợi.

Vợ chồng anh Lùng nấu cho tôi ăn mỗi ngày nhưng nhà anh cách nhà bác Già cũng khá xa nêu lâu lâu tôi lại ăn ké nhà bác Già bởi quanh đó chẳng có hàng quán gì nhiều. Nhà bác ăn gì thì tôi ăn nấy. Thường thì bữa ăn chỉ có cơm nóng, cải xào với mỡ, và cá khô giã vụn. Hình như các món đó cứ lặp đi lặp lại như thế mỗi ngày. Tôi ăn lấy no chứ không hề thấy ngon. Có lẽ tôi chưa quen thức ăn họ nấu. Trong suốt thời gian ở đó, tôi chỉ được ăn phở được một lần. Đó là hôm có chợ phiên ở Phó Bảng cách đó chừng 6 km. Anh Lùng chở tôi ra chợ cho biết chợ phiên vừa là để tôi ăn một bát phở nóng vùng cao quê anh. Dù phải ôm cái bụng đói meo băng qua quãng đường đèo mưa lạnh, nhưng khi thấy tô phở lòng lợn to ứ ự bốc khói nghi ngút đặt trước mặt, tôi chưa ăn đã thấy no nê rồi.

Ở chợ phiên, tôi không thấy bóng dáng những đầm những áo thêu tay mà người ta toàn bán đồ sản xuất công nghiệp rẻ tiền nên dù muốn tìm mua một mảnh vải dệt tay về làm quà tôi cũng không tìm ra. Tình cờ tôi liếc thấy ở hàng bán nông cụ có mấy cái lục lạc bằng đồng dễ thương nên tôi lân la đến xem hàng. Lục lạc to nhỏ đều có cả. To thì để đeo cho bò, nhỏ thì đeo cho chó hoặc con nít. Mấy chiếc lục lạc nhỏ này khiến tôi nhớ hình ảnh thằng nhóc lém lỉnh cổ đeo bùa và lục lạc đồng mà tôi đã từng gặp ở Lũng Hồ.

Có hôm trời hửng nắng, người bà con của anh Lùng chở tôi đi Lao Xa – ngôi làng xa tít tắp tận chân mây. Phải qua biết bao núi mới tới được nơi. Ấn tượng duy nhất của tôi là cung đường vòng vèo thôi chứ làng này chẳng có gì đặc biệt. Có thể tôi chỉ ghé qua thoáng chốc nên chưa tìm thấy cái hay của nó. Chúng tôi đến nhà một chú thợ bạc, người quen của anh Lùng. Chú và con trai đang có ở nhà. Họ cho tôi xem những dây chuyền bằng bạc dành cho cô dâu khiến tôi mê mẩn không rời mắt. Đó là những chiếc dây chuyền dài chạm khắc rất cầu kỳ và tinh xảo. Nếu tôi mà cưới được một anh H’mông thì chắc tôi cũng sẽ được tặng dây chuyền đẹp như thế. Suy nghĩ thoáng qua ấy khiến tôi bất giác cười thầm trong bụng bởi nếu muốn được tặng dây chuyền bạc ấy tôi phải biết xe sợi, dệt vải và tự may áo váy Mông đã chứ!

Lạ lùng là ở nhà bác Già chẳng có gì chơi mà tôi cứ nấn ná ở đó tới ba ngày bốn đêm. Phòng ngủ thì không tiện nghi, đồ ăn thì chưa quen miệng, chỉ có cảm giác yên bình khi ở bên cạnh những người phụ nữ và lũ trẻ trong hai gia đình đó níu giữ tôi. Ba người phụ nữ ấy cứ quanh quẩn trong nhà, hết nấu cám lợn, đi cắt cỏ cho bò, ngồi tách hạt ngô, cho bò, lợn, gà ăn rồi lại nấu cơm hay nấu mèn mén. Chẳng biết họ có thấy nhàm chán không. Nhà bác Già có một mẹ già chắc phải ngoài 90 đang bệnh liệt giường nằm ở gian cuối căn nhà. Bà nằm trong một đống chăn cũ rích cạnh một lò lửa nơi hai người con dâu đang nấu nước lá để nhuộm sợi. Trong ánh sáng yếu ớt cố hữu của căn nhà vào những ngày đông, tôi có cảm tưởng mặt bà cũng dính bê bết tro bụi từ cái lò lửa đốt bằng cành và lá khô đó. Từ ngày tôi đến cho tới tận ngày tôi chuẩn bị đi mới thấy bà khỏe lên đôi chút và bắt đầu được người nhà dìu ra ngồi sưởi ấm bên bếp lửa ở căn nhà trước.

Ở mãi trong nhà cũng chán, thỉnh thoảng tôi ra quầy tạp hóa đối diện cổng vào làng Lũng Cẩm nói chuyện với em Tư chủ quán. Tư ở gần cột cờ Lũng Cú còn anh chồng ở Đồng Văn nhưng khi cưới nhau rồi họ về đây sinh sống và lập nghiệp. Tư là người Lô Lô còn chồng em người H’mông. Hai vợ chồng trẻ kê một cái giường sát vách ở căn phòng chính có che màng làm buồng ngủ cho mình và con gái mới sinh vài tháng. Xung quanh chất đầy hàng họ để bán cho người dân trong làng và khách qua đường. Hai vợ chồng tính xởi lởi và hào phóng nên tôi rất quý. Hôm trước khi về, tôi ăn bữa cơm trưa vội vàng ở nhà em trong khi chờ xe khách về thành phố Hà Giang. Khi tôi chuẩn bị bước lên xe, em gói vội hai cái trứng gà luộc còn nóng hổi để tôi mang theo ăn lót dạ dọc đường.

Những ngày ở Lũng Cẩm, tôi như kẻ vô công rỗi nghề la lết hết góc này đến xó khác. Vậy mà tôi thấy nhẹ nhàng và bình yên vô cùng. Trí óc không lo nghĩ gì nhiều. Sóng điện thoại và mạng 3G thì chập chờn nên hầu như những kênh giao tiếp thường ngày ít nhiều bị ngắt bớt. Thế lại hay, tôi có thời gian được đối diện với bản thân mình nhiều hơn và ngắm nghía mọi vật xung quanh kỹ hơn. Và dẫu ngôi nhà và ngôi làng ấy trong thực tế không thơ mộng như trong trí tưởng tượng của tôi, tôi vẫn vui vì mình được ở rất gần những người dân hồn hậu sống trên cao nguyên đá này.

Lũng Cẩm, Hà Giang
Tháng 10 năm 2015

Dưới xa kia là làng Lũng Cẩm nằm lọt thọt giữa núi non trùng điệp.
Dưới xa kia là làng Lũng Cẩm nằm lọt thọt giữa núi non trùng điệp.

A video posted by Hương Lan (@lanhue) on

Bà mẹ của bác Già
Bà mẹ của bác Già
Hai người vợ đang nấu nước nhuộm sợi.
Hai người vợ đang nấu nước nhuộm sợi.
Say và chị gái đang băm lá để nhuộm sợi.
Say và chị gái đang băm lá để nhuộm sợi.
Bác Và đang nấu thức ăn cho cả nhà.
Bác Và đang nấu thức ăn cho cả nhà.
Bác Già
Bác Già
Say và Thọ ngồi vẽ bên khung cửa
Say và Thọ ngồi vẽ bên khung cửa
Một góc gian nhà chị Chúa và gian hàng của anh Lùng nhìn từ cửa sổ nhà bác Già
Một góc gian nhà chị Chúa và gian hàng của anh Lùng nhìn từ cửa sổ nhà bác Già
Chị Chúa đang nấu mèn mén.
Chị Chúa đang nấu mèn mén.
Theo mấy em nhỏ đi chơi.
Theo mấy em nhỏ đi chơi.
Một ngôi nhà trình tường phía sau nhà bác Già
Một ngôi nhà trình tường phía sau nhà bác Già
Đứng xem bà hàng xóm xe sợi
Đứng xem bà hàng xóm xe sợi
Em Tư
Em Tư
Cảnh núi non nhìn từ trên đường đi Lao Xa
Cảnh núi non nhìn từ trên đường đi Lao Xa