Khu vườn tuổi thơ của tôi không đẹp đẽ và nhiều hoa trái như những khu nhà vườn ở Phú Mộng cách nơi tôi ở không xa. Khu vườn tuổi thơ của tôi là những mảng cây cỏ vá víu có bờ giậu rậm rịt vây quanh. Trong trí nhớ của tôi, khu vườn tuổi thơ bắt đầu từ một khoảnh đất con con trước nhà mẹ tôi chèn gạch vỡ và đá xung quanh làm thành bồn hoa nhỏ có bông mười giờ, lan đất, bươm bướm, sống đời mà hai mẹ con xin được ở đâu đấy đem về trồng.
Ngôi nhà tôi ở thật ra là một căn phòng nhỏ có một cửa lớn, một cửa sổ và nằm kẹp giữa hai căn phòng chung vách hai bên. Căn phòng nhỏ mẹ tôi được nhà nước cấp nằm trong khu tập thể của bệnh viện Thành phố Huế. Khu tập thể có hai dãy nhà và cách nhau một vạt đất mà tôi thích gọi là “khu vườn bí ẩn”. Giữa khu vườn là bốn cây hồng nhung cành lá sum suê, trong đó còn có một cây măng cụt, mấy bụi chuối và mấy cây dừa cao vút, bên dưới cỏ chen nhau mọc um tùm.
Cửa phòng hai mẹ con tôi hướng ra khu vườn ấy. Từ bồn hoa trước nhà, tôi mở rộng nó ra bằng cách trồng thêm cây hoa nứt nẻ dọc hai bên lối đi vào nhà hoặc chỗ nào còn trống. Cũng trên khoảnh sân hẹp ấy, mẹ tôi còn dựng lên một cái giàn trồng nào bầu, nào bí đao, bí đỏ. Có những trái bầu dài ngoẵng đến gần sát mặt đất và những trái bí to mẹ tôi phải lấy cái lót nồi bằng tre cột thêm ba bốn sợi dây vào làm thành chiếc gióng để đỡ bên dưới trái bí cho nó khỏi đứt cuống. Tôi mê mẩn nhìn giàn bầu bí của mẹ mà thán phục vô cùng. Rồi có khi mẹ tôi luân phiên trồng cả mướp ngọt nữa. Tôi không nhớ hồi đó mình có thích canh mướp ngọt mẹ tôi nấu với mấy con tôm sông bé tí không nhưng tôi nhớ tôi rất mê những trái mướp già mẹ để dành làm giống mùa sau. Những trái mướp khô quắt queo, nhẹ tênh gác trên giàn bếp nếu cầm lên lắc lắc sẽ nghe tiếng hạt mướp va vào nhau và vào thành xơ mướp kêu lột rột. Đến mùa mẹ tôi đem mấy trái mướp khô xuống cắt ra từng khúc để lấy hạt. Mấy hạt mướp lép đen nhánh rơi xuống hối hả như cố gắng chen nhau thoát khỏi ngôi nhà chung nhiều ngăn và cũ kỹ ấy. Một số hạt thì mẹ gieo ngoài vườn, số còn lại thì mẹ gói rất kỹ trong mấy lớp giấy và bao ni lông để cất cho đợt sau hoặc biếu hàng xóm nếu có ai cần còn cái xơ mướp thì dùng làm dụng cụ chùi xoong nồi hay chén bát.
Những ngày hè không chịu ngủ trưa, trong tiếng ve sầu kêu rỉ rả, tôi mò ra khu vườn cỏ lút đến thắt lưng mình để lượm hồng nhung chín đỏ rụng dưới gốc cây. Ngước mắt lên, qua những tán cây lá dày, tôi thấy lấp ló những trái hồng nhung có lông tơ óng mượt. Hồng nhung khi chưa chín thì có màu xanh pha với màu đà, khi chuyển qua chín hườm thì có màu cam đỏ còn khi chín hẳn thì có màu đỏ huyết. Lớp tơ bên ngoài trái hồng nhung mịn màng và óng ánh như lớp nhung trên tà áo dài nhung đỏ mà tôi đã có lần thấy một bà cụ quyền quý nào đó mặc. Có người nói những trái hồng nhung giống như những quả châu gắn trên cây thông mùa Giáng sinh. Hồi ấy, tôi cũng thấy bốn cây hồng nhung trong khu vườn ấy giống những cây thông thẳng tắp cao vút được trang trí bằng những quả tròn có lớp tơ óng ánh khi nắng chiếu vào. Nếu cây thông No-en ở bên Tây được trang trí mỗi dịp Chúa giáng sinh vào mùa đông lạnh giá thì bốn cây thông trong khu vườn ấy lại tự tô điểm cho mình bằng những trái xanh, cam và đỏ óng mượt khi hè về trong cái nắng nóng như đổ lửa.
Lớp tơ bên ngoài trái hồng nhung nhìn thì đẹp đẽ nhưng để dính vào da thì sẽ gây ngứa ngáy khó chịu nên ít khi người ta lượm trái hồng nhung chín về rồi gọt vỏ ăn luôn mà người ta phải dùng bàn chải để chải bớt lớp lông bên ngoài. Vừa chải người ta vừa giội bằng nước để sau khi chải sạch thì trái hồng nhung sẽ phô ra lớp vỏ láng mịn và có màu đỏ đằm thắm. Thịt trái hồng nhung chín mùi có vị bùi bùi và thơm thơm nên tôi và lũ con nít trong xóm tập thể mê tít.
Dù rất thích hồng nhung như có lẽ thứ trái cây mà tôi mê nhất từ hồi đó cho đến giờ là trái măng cụt. Thứ trái quý này còn có cái tên mỹ miều là giáng châu mà mãi đến gần đây tôi mới biết. Có lần tôi hỏi mẹ vì sao cây đó gọi là măng cụt. Mẹ tôi giỏi trồng cây nhưng trước câu hỏi cắc cớ ấy mẹ cũng đành chịu thua. Tôi nhìn những u lồi dài ngắn khác nhau trên thân cây – dấu tích của những cành cây bị chặt, và nghĩ ngay tới đôi cánh tay cụt gần tới khủy tay của một chú thương binh trong xóm và vỡ lẽ ra những u lồi đó và đầu cụt của cánh tay chú thương binh đều liền sẹo và nhẵn nhụi giống nhau. Có lẽ tên cây bắt nguồn từ đặc điểm đó hay cũng có thể là từ trí tưởng tượng điên rồ của đứa con nít ưa mơ mộng là tôi? Mẹ tôi hay dùng cái khoèo tre dài có gắn móc sắt một đầu để hái những trái măng cụt đã chín rồi dùng dao nhẹ nhàng cứa đôi trái măng cụt sao cho không chạm vào múi và khéo léo tách vỏ ra làm hai phần bằng nhau. Những múi măng cụt trắng ngần và ngọt mát lúc nào cũng khiến tôi ngây ngất. Trái măng cụt nào cũng một cái núm hình bông hoa cùng màu với vỏ được mẹ Thiên Nhiên đắp nổi rất khéo léo. Mẹ tôi bảo, mỗi “cánh hoa” đó tương ứng với một múi măng cụt bên trong. Và đúng thế thật, cánh hoa to sẽ tương ứng với một múi to và mấy cánh hoa nhỏ sẽ ứng với những múi nhỏ bên trong. Tôi thấy thích thú vô cùng và hay đem đặc điểm đó ra đố vui với bạn bè. Mủ trái và cây măng cụt như chất keo màu vàng pha màu xanh lá chuối non mà hễ quệt vào áo quần rồi thì không tài nào giặt sạch nổi. Còn vỏ măng cụt thì mẹ tôi không bao giờ vứt đi mà thường giữ lại rồi đem phơi khô để làm thuốc chữa bệnh kiết lỵ.
Thuở ấy, những khi chán rúc bụi lủi bờ, tôi hay ngồi vắt vẻo trên khung cửa sổ có những chấn song thưa bằng gỗ nhìn ra mảnh đất đằng sau dãy nhà nơi mẹ tôi phát cỏ và bụi rậm để trồng rau, đậu và sắn. Cả một khoảng thời gian dài, hai mẹ con tôi sống nhờ vào những luống rau khoai, những vồng sắn tốt tươi và những giàn đậu cô ve mẹ tôi một thân một mình trồng nên. Mẹ tôi là người phụ nữ chăm chỉ, chịu thương chịu khó và có tay gieo trồng. Cứ cành cây hay hạt mầm nào mẹ tôi ươm xuống đều nảy mầm xanh tươi. Tôi có học mãi cũng không bằng mẹ tôi được. Mẹ tôi dù là quân y Trường Sơn nhưng việc trồng trọt mẹ tôi cũng rành lắm vì nói cho cùng mẹ tôi sinh ra trong một gia đình bần nông và cũng lớn lên từ làng.
Thời ấy, cách đây gần 30 năm, cái nghèo cứ lẩn khuất trong mọi nếp nhà và hằn lên ánh mắt lo toan của những ông bố bà mẹ còn lũ con nít chúng tôi chỉ thấy nó thấp thoáng trong dáng vẻ tất bật của người lớn hay trong những ngày mưa rét mướt thiếu chăn khô và áo ấm. Dù nghèo nhưng cái ăn thì tôi chưa thấy thiếu bao giờ. Mẹ tôi ngoài nuôi gà, nuôi lợn thì còn trồng rau nên dù không được ăn ngon thì tôi vẫn được ăn no. Mà hình như ngày ấy tôi ít thấy đói vì ngày nào tôi cũng bỏ vào miệng mình không biết bao nhiêu là trái cây, hoa lá hái lượm được trong “khu vườn bí ẩn” hay ngoài bờ giậu. Lúc này, khu vườn của riêng tôi không chỉ quanh quẩn bên mấy gốc hồng nhung mà kéo dài ra tận bờ rào mọc đầy hoa quả dại xung quanh khu tập thể. Tôi không từ chối bất kỳ thứ gì mà bọn con nít chúng tôi cho là ăn được, từ ổi non chưa kịp chín đến những trái mâm xôi chín đỏ, trái thù lù căng tròn, hạt muồng chuỗng trong veo có nhân đen kịt như mắt ruồi, cho tới nhân hạt bàng có cơm trắng beo béo, trái mít cám (trái mít non không phát triển tiếp mà nổi lên lớp cám bên ngoài rồi thối dần và rụng) chát xít, cành mâm xôi non tướt vỏ mọng nước hay bông dâm bụt có ít nước ngòn ngọt ở phần cuống hoa và cả rễ tranh mảnh mai và trắng muốt. Có ai đó nói đúng, ngày xưa không có thứ gì dở cả. Cái gì cũng ăn được tất, cũng ngon hết.
Khi tôi lớn hơn chút nữa, tôi bắt đầu trốn ngủ trưa nhiều hơn, để đầu trần dang nắng chạy ra khu nghĩa địa gần nhà thả diều và tìm đồ ăn vặt trong những bụi cây mọc xen với mồ mả. Tôi thuộc loại người yếu bóng vía, nghe tiếng thân tre cọ vào nhau kêu kẽo kẹt khi gió đưa là tim tôi đã giật thon thót rồi nhưng khi có đồng bọn đi cùng thì tôi cũng anh hùng ghê lắm. Còn phải nói, niềm vui được tung tăng và chạy nhảy cùng với với bạn bè đồng trang lứa ở một nơi đầy nắng gió và không có người lớn để mắt tới khiến bao nhiêu sợ hãi trong tôi tan biến hết.
Hồi ấy, đối với tôi, chỗ nào có hoa trái chỗ đó chính là vườn nên khu vườn tuổi thơ của tôi cứ mở rộng ra mãi. Nó bắt đầu từ bồn hoa nhỏ xíu trước nhà ra tới lối vào trồng toàn hoa nứt nẻ, mon men đến khu vườn hồng nhung cỏ mọc xanh rì, băng qua những luống rau khoai lang đắp cao, quanh quẩn dưới giàn bầu bí mẹ tôi trồng, kéo dài tới bờ giậu rậm rịt và chạy mãi tới tận nghĩa địa nhấp nhô mồ mả và bụi cây dại. Giờ đây, dù khu vườn tuổi thơ của tôi đã bị thay bằng nhà cửa và chợ búa, và dù ước mơ có được một khu vườn đủ rộng để trồng vài thứ cây ăn trái và rau củ tôi vẫn chưa thực hiện được thì tôi vẫn không buồn bởi tôi tin ngày ấy đang đến gần. Trong lúc chờ đợi, ớt, đu đủ, rau ngót, cau và mấy cây hoa trang, hoa sống đời hai mẹ con tôi trồng cứ tạm chen chúc nhau trong hai dải đất hẹp trước nhà và trong những chậu xi măng be bé này đã nhé!
Huế, ngày 6 tháng 12 năm 2016