Tôi yêu nhất mùa xuân khi cây lá đơm chồi xanh biếc và khi hoa trong vườn đua nhau khoe sắc trong nắng mới. Thế mà, tôi lại mong ngóng mùa hè để được ngắm hoa sen nở và được ăn món cơm sen mà người xưa gọi với cái tên rất quý phái là Cơm Bát Bửu. Gọi là bát bửu vì cơm được trộn với tám loại nguyên liệu khác như cà rốt, đậu cô ve, đậu Hà Lan, chả quế, tôm, lạp xưởng, trứng gà và đặc biệt là hạt sen Huế đầu mùa.
Nghe tên món ăn thôi là người ta đã đoán được món này cũng đòi hỏi những bước chế biến khá công phu và mất thời gian vậy mà khi tôi hỏi dì Na rằng dì mất bao lâu để làm xong món này thì dì bảo chỉ hơn 1 giờ đồng hồ thôi nếu mình biết cách sắp xếp thời gian cho hợp lý. Đúng là để nấu ăn giỏi, ngoài đam mê và khéo léo, người ta còn cần luyện cho mình một đầu óc tổ chức khoa học nữa.
Ngồi xem dì tỉ mỉ cắt hạt lựu từng thứ một khiến tôi nhớ lại hồi còn nhỏ mình hay cùng lũ bạn trong xóm chơi đồ hàng. Chúng tôi đóng vai ba mẹ con cái trong một gia đình rồi chia nhau ai làm việc nấy. Mẹ thì sẽ hái hoa hái lá trong vườn làm nguyên liệu rồi nấu ăn trên những chiếc nồi, chiếc chảo đồ chơi bằng nhựa bé tí teo; ba thì lấy cành cây và tàu lá chuối dựng nhà; con cái thì giúp việc vặt hoặc ba mẹ “giả” sai gì thì làm đó. Cái gia đình tưởng tượng của chúng tôi mô phỏng một cảnh sống an nhàn và hạnh phúc theo quan niệm thời ấy. Còn giờ tôi mơ một gia đình mà vợ chồng cùng nhau làm mọi thứ. Chồng nấu cơm thì vợ lặt rau rửa chén hay ngược lại. Không quan trọng ai làm việc chi miễn là được làm cùng nhau. Trong khi tôi ngồi mơ thì dì đã xong khâu sơ chế lúc nào chẳng hay. Dì khiến tôi tin rằng nếu mình đam mê thì dù là việc nhỏ và nhàm chán nhất cũng trở nên thú vị khi mình biết chính những thứ vặt vãnh đó sẽ tạo ra những sản phẩm như mình mong muốn.
Sau một hồi ngắm nghía dì Na cắt gọt, chiên, luộc, xào nấu, gói ghém và hấp thì đã đến đoạn mà tôi thích nhất. Đó là khi dì khéo léo cắt phần trên của gói cơm sen để biến nó thành một chiếc thố lá sen đựng cả tinh hoa đất trời và sự khéo léo của người mê nấu nướng.
Nếu bạn cũng yêu ẩm thực như dì Na, nhân khi hạt sen tươi đang đúng độ ngon và nhân dịp cuối tuần, hãy cùng dì Na nấu món cơm bát bửu theo công thức bên dưới nhé!
I. Nguyên liệu (dành cho sáu người ăn):
– Gạo ngon: 500gr
– Hạt sen tươi (hoặc hạt sen khô): 100gr
– Lá sen tươi và cánh sen để trang trí: 4 lá và một hoặc hai bông sen
– Đậu cô ve: 150gr
– Cà rốt: 1 củ vừa
– Chả quế: 200gr
– Tôm:100gr
– Lạp xưởng: 2 thanh (hoặc 4 thanh nhỏ)
– Trứng gà: 4 quả
– Đậu Hà Lan: 50gr
– Hành tím, hành hoa,tỏi, ớt trái
– Hạt nêm, bột canh, mì chính (bột ngọt), hạt tiêu, xì dầu
II. Chuẩn bị:
– Luộc hạt sen chín vừa rồi trút ra bát để riêng. Phần nước luộc sen giữ lại dùng để nấu cơm.
– Nấu cơm để nguội rồi cho vào 2 quả trứng gà sống và trộn đều
– Hành hoa bỏ gốc, thái nhỏ; hành tím, tỏi băm nhuyễn
– Chả quế, lạp xưởng, cà rốt, đậu cô ve cắt hạt lựu
– Trứng gà 2 quả đổ chả trứng cắt hạt lựu
– Tôm luộc chín, bóc vỏ, bỏ đầu, cắt hạt lựu
III. Các bước thực hiện:
– Chuẩn bị một nồi nước nóng cho chút muối vào để chần cà rốt, đậu cô ve và đậu Hà Lan. Sau đó, thả chúng vào nước lạnh để đậu giữ được màu xanh.
– Phi thơm hành băm rồi cho chả quế vào xào, tiếp theo là tôm, cà rốt, đậu cô ve, lạp xưởng, đậu Hà Lan, trứng và sau cùng là hạt sen. Đảo đều rồi múc hỗn hợp “bát bửu” này vào một cái bát để riêng. Nhớ giữ lại một ít hạt sen để lát nữa gói cơm.
– Phi thơm hành băm rồi cho cơm đã trộn trứng vào xào sơ qua cho đến khi hạt cơm săn lại. Tiếp đó, cho hỗn hợp “bát bửu” vào trộn đều, sau đó thêm hành hoa vào và tiếp tục đảo thêm một lát cho đều rồi tắt bếp.
– Trải lá sen lên một cái bát lớn, cho phần hạt sen còn lại xuống dưới cùng phần lõm của lá sen rồi rải cơmbát bửu lên trên và nhẹ nhàng gói phần cơm này lại. Để bảo vệ lớp lá sen này, chúng ta có thể gói bên ngoài thêm một lớp lá sen nữa và để cho chắc chắn thì dùng lạt buộc cố định gói cơm. Sau đó, cho gói cơm vào xửng hấp từ 7-10 phút.
– Lấy gói cơm đã hấp ra, bỏ bớt lớp lá sen ngoài cùng rồi dùng kéo khéo léo cắt phần lá quanh cuống lá sen trên gói cơm để gói cơm trở thành một thố cơm lá sen vừa tinh tế vừa ngon lành. Cuối cùng, trang trí thố cơm sen đó bằng những cánh sen tươi sao cho thật đẹp mắt.
IV. Yêu cầu thành phẩm:
– Hạt cơm săn, tơi nhưng không bị khô, bên trong vẫn mềm, ngọt bùi thơm mùi hạt sen và lá sen
– Hạt sen chín mềm không bị nát vẫn giữ được hương vị đặc trưng của hạt sen
– Các nguyên liệu khác đều chín tới không bị nát và giữ nguyên màu sắc của từng loại nguyên liệu
– Món ăn đều vị
V. Mẹo nhỏ:
– Để rau củ khi chế biến vẫn giữ được nguyên màu sắc và giòn bạn nên luộc sơ qua (trong lúc luộc nên cho vào ít hạt muối sống) xong thả vào thau nước đá
– Với món này bạn có thể thêm hạt bắp (ngô) tươi để đỡ ngán
– Có thể làm thêm một chén xì dầu với ớt đỏ để bên cạnh thành phẩm dành cho những ai thích vị đậm đà hơn.