Ở Nhờ Bên Đầm Cầu Hai
Có lần khi đang đứng thơ thẩn ngắm cảnh hoàng hôn trên bến Gành ở đầm Cầu Hai, tôi nói với người bạn đồng hành rằng một ngày nào đó tôi sẽ quay lại đây và sẽ ngủ lại bên đầm để sáng ra đi đón mặt trời lên. Tôi vốn mê thời khắc chuyển giao của ngày và đêm nên đi đâu tôi cũng ưu tiên dành thời gian để ngắm hoàng hôn và bình minh. Thế là nhân một dịp nghỉ lễ ngắn ngày, tôi khăn gói một mình một ngựa sắt lên đường đi Vinh Hiền.
Ở gần bến Gành hầu như không có nhà nghỉ nào nhưng may mắn là tôi có quen một gia đình vạn đò ở đó. Thật ra, em Chuyên – con gái của họ đã được dự án Healing The Wounded Heart, nơi tôi làm tình nguyện, hỗ trợ kinh phí mổ tim lúc em còn nhỏ và có lần tôi cùng các anh chị em trong dự án về thăm em Chuyên nên cũng coi như là chỗ quen biết. Khi biết tôi về chơi, anh Dũng – ba của Chuyên mời tôi ở lại nhà anh. Hai vợ chồng anh và hai cô con gái út, Hiền và Mộng, chỉ ở nhà ban ngày còn buổi tối họ ngủ dưới đò để đến khuya hai anh chị thức dậy đi bủa cá. Trong nhà chỉ còn em Chuyên và bà nội. Lúc ấy là đầu hè trời nắng nóng nên ba bà cháu trải chiếu nghỉ trưa hay ngủ luôn trên nền xi măng.
Tối đó tôi đi ngủ sớm để sáng mai ra bến Gành ngắm hoàng hôn và xem chợ cá. Chợ bến Gành nằm dưới chân núi Túy Vân, ngay trước chùa Thánh Duyên – ngôi quốc tự được vua Thiệu Trị ca ngợi là một trong 20 thắng cảnh của đất thần kinh. Lần nào tới viếng cảnh chùa, tôi cũng thấy quán chợ đã vắng teo, chỉ còn sót lại vài dấu vết của phiên chợ sớm. Hỏi ra mới biết chợ ngày nào cũng bắt đầu nhộn nhịp từ 2, 3 giờ khuya đến khoảng 6, 7 giờ sáng là tan chợ.
Chuyên và tôi ra đến nơi khi trời còn nhá nhem tối mà người bán kẻ mua ở bến Gành đã đông nghẹt, chen chân không lọt. Nếu ngắm hoàng hôn trên đầm Cầu Hai là những giây phút thư thả và nhẹ nhàng thì khung cảnh bình minh tràn đầy sinh khí và sôi động nơi đây khiến cho tôi cảm thấy thời gian đang lao đi vun vút. Ghe chở cá hối hả tấp vào bờ rồi ngư dân chuyển những mẻ cá mới đánh còn tươi roi rói lên chợ. Người đi buôn mua cá ở bến Gành rồi tỏa đi bán lại ở khắp các chợ trong tỉnh. Chợ cá ở bến Gành không chỉ bán cá tôm đánh bắt từ đầm lên mà còn bán đồ ăn sáng, rau trái và hàng tạp hóa. Nếu không tận mắt chứng kiến cảnh này, tôi khó mà tưởng tượng chợ Gành lúc sáng sớm lại buôn bán tấp nập như thế. Khi mặt trời lên cao là lúc hàng quán ở chợ bến Gành vãng dần rồi vắng hẳn. Chợ Am gần đó lúc này mới bắt đầu mở hàng.
Những ngày ở nhà Chuyên, bữa nào tôi cũng được ăn tôm cá tươi và nhất là được thưởng thức thứ mắm rò ngon nhứt răng do chính người dân trong xóm chài làm. Hồi ấy tôi mê mắm ruốc lắm. Bữa cơm nào có mắm, nhất là mắm rò, ăn ghém với khế, dưa leo hay vả sống thì tôi ăn cơm nhiều gấp đôi bình thường. Một phần vì ngon miệng, một phần vì mắm mặn tốn cơm.
Ba của Chuyên biết tôi thích chụp ảnh nên đến chiều khi hai vợ chồng anh chạy đò đi bỏ lừ trên đầm, anh cho tôi theo cùng. Anh cho đò chạy một vòng ra tận ngã ba nơi đầm Cầu Hai đổ ra biển Đông để tôi ngắm cảnh xung quanh cửa biển. Ra giữa đầm mới thấy đầm rộng mênh mông. Chốc chốc đò chúng tôi lướt qua những người đang đánh cá khi hoàng hôn bắt đầu buông trên mặt đầm. Trên đường về anh chị không quên chỉ cho tôi khu chợ Vinh Hiền ngay bên đầm lúc ấy đang xây mà hiện nay người ta đã chuyển chợ cá bến Gành và chợ Am về đó. Tôi thấy mừng vì người dân ở đó quyết định chuyển hai khu chợ nhỏ đó về một địa điểm mới thoáng rộng và thuận tiện hơn cho cả dân chài và người buôn bán. Nhưng điều khiến tôi vui hơn cả là từ nay trước ngôi cổ tự Thánh Duyên không còn cảnh chợ nhớp nháp và xô bồ nữa.
Tôi gọi kỳ nghỉ ngắn bên đầm Cầu Hai của tôi năm ấy là “những ngày sóng nước” bởi tôi hết đi chơi trên đầm lại chạy ra tận biển. Ngày thì Chuyên, Hiền và tôi đi biển Hàm Rồng gần nhà – nơi lưu giữ khá nhiều kỷ niệm đẹp của tôi ở đó, ngày thì ba chị em lái xe ra tận biển Lộc Bình – một cái vịnh nhỏ lặng sóng, nước trong veo và có những tảng đá to nhẵn nhụi nằm lởm chởm và rải rác trên bờ cát phẳng lì. Điều đáng tiếc là ở đâu có cảnh đẹp mà có dấu chân con người thì y như rằng rác cũng xuất hiện như thể con người và rác là hình với bóng. Thấy thương Hàm Rồng quá nên trước khi ra về tôi và Hiền đi dọc một đoạn bãi biển và gom một bao đầy rác người ta xả lại trên bờ cát. Nếu tôi chỉ ghé qua vài giờ để ngắm cảnh và tắm biển rồi về thì chắc tôi đã không có thời gian nhìn kỹ và quý mến Vinh Hiền đến thế.
Ngoài A Lưới, Lăng Cô và Vinh Hiền, còn có rất nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế tôi muốn đến và ở đó thật lâu để hiểu cho thấu đáo và cặn kẽ về quê hương mình. Hiểu thêm không chỉ để làm giàu kiến thức cho riêng mình mà cái chính là để trân trọng và yêu thương những thứ đã tạo nên hình hài và tính cánh vùng đất mà tôi may mắn được gọi là nơi chôn nhau cắt rốn.