Tôi để ý thấy người Huế rất thích tạo hình món ăn của mình thành hoa và trái, họ đem cả một vườn nhiều sắc màu bày lên bàn ăn để người thưởng thức không chỉ được đắm mình trong hương vị của thức ăn mà còn thán phục những món ăn được cắt tỉa khéo léo và có màu sắc hài hòa. Đôi khi ý thích đó lại ngủng ngẳng đến đáng yêu. Khi tôi nhắc điều này, tôi nhớ về món bánh gấc có vỏ màu cam làm từ thịt trái gấc nhưng lại được tạo hình thành trái quất chín và được gắn thêm một chiếc lá quất hay lá chanh rất xinh xắn và sinh động nữa. Rồi trong đầu tôi cũng thoáng nghĩ đến món bánh trái vải có nguyên liệu chẳng ăn nhập gì với cái tên nhưng hình dáng thì giống trái vải thật, một trái vải khô có màu nâu huyền bí. Nếu bánh gấc là một chiếc bánh rất Á Đông thì bánh trái vải lại có hồn Tây dáng Việt vì trong nguyên liệu có cả bơ, sữa và cacao.
Nếu bạn nào muốn thử làm món bánh này thì tham khảo công thức làm bánh này của dì Hương (Na) nhé! Chúc bạn làm thành công món bánh vừa dễ thương vừa ngon miệng này.
I. Nguyên liệu:
1. Phần vỏ:
– Bột mì đa dụng: 200g
– Bột năng hoặc bột bình tinh: 100g
– Lá dứa: 5 cọng
– Đường xay: 100g
– Nước cốt dừa: 150g
– Trứng gà: 1 quả
– Bơ lạt: 60g
– Sữa đặc: 2 thìa (hoặc có thể thay thế bằng sữa tươi)
– Cacao: 30 – 40g
2. Phần nhân:
– Đậu xanh: 150g
– Đường: 100g
– Nước cốt dừa: 50g
– Dầu ăn: 2 thìa
– Mè trắng rang vàng: 30g
– Vani: 1 ống
II. Cách làm:
1. Làm nhân bánh:
– Bước 1: Vo sạch đậu, loại bỏ hạt đậu hỏng và đem đi ngâm trong nước khoảng 2 tiếng cho đậu nhanh mềm khi ninh.
Bước 2: Cho đậu vào nồi, ninh nhừ với nước. Sau khi đậu đã nhừ cho đường, nước cốt dừa sên trong chảo chống dính, trên lửa nhỏ (sên giống như kiểu mình rang lạc). Sên đến đâu cho dầu vào đến đó, từng chút từng chút một cho đến khi hết dầu (không đổ dầu vào cùng một lúc nhé vì làm như thế nhân sẽ bị tươm dầu sau này).
Tiếp tục sên cho đến khi đậu hình thành một khối mịn, tách ra khỏi chảo, khi chạm tay vào không dính tay là được.
Sau khi nhân đã sên đạt, đem bọc trong màng bọc thực phẩm để nhân không bị khô trong lúc làm phần vỏ.
2. Làm vỏ bánh
– Bước 1: Đầu tiên rửa sạch lá dứa, cắt thành cọng dài bằng một ngón tay, sau đó cho bột mì và bột năng lên chảo rang cùng với lá rứa ở lửa nhỏ cho đến khi bột chín. Lá dứa sẽ vừa làm bột thơm hơn, lại vừa dùng để nhận biết khi nào bột chín.
Để biết bột đã chín hay chưa bạn kiểm có thể tra bằng cách lấy một cọng lá dứa ra, khi cọng lá giòn, dễ gãy là bột đã chín.
– Bước 2: Cho nước cốt dừa, đường xay và bột cacao vào nồi, đun sôi lên rồi để nguội. Lưu ý trong quá trình đun nhớ phải khuấy đều liên tục để bột cacao không bị vón cục.
Lưu ý: Chỉ đun hỗn hợp đến khi vừa sôi rồi tắt bếp ngay, không đun sôi quá lâu vì nước cốt dừa gặp nhiệt độ cao rất dễ bị tách nước.
– Bước 3: Luộc quả trứng cho chín rồi lấy lòng đỏ. Đun chảy bơ bằng lò vi sóng hoặc hấp cách thủy rồi để nguội.
Cho bột đã rang chín ở bước 1, bơ chảy, lòng đỏ trứng đã luộc vào chung một chiếc tô, dùng tay bóp cho bột, bơ, lòng đỏ trứng hòa vào với nhau thành một khối. Sau đó cho sữa đặc, nước cacao vào và tiếp tục nhồi cho đến khi thành một khối mịn dẻo. Lúc này bột sẽ có mùi thơm ngất ngây của cacao và nước cốt dừa.
3. Tạo hình bánh trái vải
– Kích cỡ bánh trái vải và tỉ lệ nhân – vỏ sẽ phụ thuộc vào ý thích của bạn. khoảng 35g, trong đó phần vỏ sẽ là khoảng 20g và phần nhân là 15g.
– Chia phần nhân và phần vỏ thành các phần nhỏ bằng nhau. Dùng cán cán phần vỏ cho dẹt ra rồi gói phần nhân vào. Đặt viên bột vào tấm vải lưới, xoắn nhẹ là ra trái vải.
– Có thể trang trí thêm bằng cách cắm thêm lá nhãn, lá bạc hà hoặc lá chanh ở phía trên để làm lá cho quả vải.