Sông Hương, ngày 9 tháng 7 năm 2017
Người Yêu ơi,
Rứa là cuối cùng con và dì Tuyết đã bơi lên được chùa Linh Mụ sau hơn một tiếng bơi lội tung tăng trong nước. Cảm giác của con khi tới được bến chùa Linh Mụ không phải vui tưng bừng mà rất yên ả và tràn đầy biết ơn. Con thấy may mắn vì cách đây chừng 35 năm mẹ đã cho con được mở mắt chào đời ở một vùng đất có sông núi thi vị như Huế mình mẹ ạ. Con cũng cảm ơn mẹ vì đã cho con đến với cuộc đời trong hình hài là một cô con gái song ngư mang mệnh đại hải thủy nên lúc mô con cũng yêu sông, nước, biển, hồ thiết tha. Và mẹ biết không, điều kỳ diệu nhất trong 35 năm qua mà con đã làm được đó là … biết bơi.
Hồi nhỏ mẹ hay kể con nghe chuyện mẹ bơi sông ở quê và trong đầu óc con lúc mô cũng hiện lên hình ảnh mẹ thuở nhỏ – nhanh nhẹn và yêu đời. Con thấy hình ảnh mẹ nôm trên con trâu đen trùi trũi lội qua sông trong ánh hoàng hôn. Con thấy khúc sông Tả Trạch chảy qua làng Dương Hòa đó rộn rã tiếng cười của mẹ và những người bạn chăn trâu cùng làng. Con nhìn thấy nụ cười mẹ, rất trong và đẹp đẽ! Nụ cười mà con tưởng tượng trong đầu ấy cứ theo con và thôi thúc con ước mơ có một ngày con cũng được bơi trong dòng nước mà một thời mẹ đã ngụp lặn trong đó và lớn lên. Con biết dòng sông xưa của mẹ trong veo đến độ soi thấy đáy, cũng dòng sông ấy đến thời con nước trong giờ veo đây đã ngả màu nhờ nhờ. Rồi con lo đến đời con của con và những thế hệ sau này. Không biết con cháu của con có thấy may mắn khi chạm vào nước sông Hương như con hay không hay chỉ là nỗi ghê tởm khi nước sông tanh mùi rác rưởi và chất thải?! Nhìn những thứ rác rến nổi trôi trên sông hay rải rác trên bờ mỗi sáng, con cảm thấy nhiều người Huế mình đối xử với mẹ sông Hương tệ bạc quá, mẹ ơi. Con thương mẹ sông Hương của mẹ con mình quá, mẹ à!
Và khi sông vẫn còn chút trong lành, con cố gắng bơi, bơi như thể chỉ mai thức dậy thôi, nước sông Hương sẽ không còn bơi được nữa. Đó là lí do vì răng sáng mô con gái mẹ cũng dậy trước bình minh để ra với mẹ sông Hương dù cho đêm trước con có đi ngủ sớm hay thức tới khuya. Chiều qua cũng trên khúc sông này, con đã hẹn với dì Tuyết sẽ cùng nhau bơi từ bến Kim Long lên chùa Linh Mụ nên sáng ni trước khi ra sông con đã dậy sớm nấu nước thật sôi để khuấy cho mình một chén bột ngũ cốc mà em Thủy tự tay làm tặng con để ăn cho ấm bụng. Dù biết sáng ni phải bơi xa nhưng hai dì cháu con vẫn ngắm cảnh bình mình và pha một ấm trà Shan Tuyết uống trước khi hòa mình vào dòng sông. Con và dì Tuyết bơi rất nhẹ nhàng, rất êm chứ không gắng sức hay thở hổn hển như mấy vận động viên thi bơi lội mà thi thoảng mẹ hay thấy trên ti vi đâu ạ. Hai dì cháu bơi là để ngắm cảnh sông nước, cây cỏ và núi non quanh mình và tận hưởng từng phút giây được đắm mình trong làn nước mát.
Con mải miết bơi và chỉ chú ý tới hơi thở đều đều của mình, chốc chốc con ngỏng đầu lên bơi kiểu chó để nhìn lên phía đầu nguồn và thấy mấy dãy núi vẫn xếp hàng đứng đó kiên nhẫn chờ hai dì cháu. Đột nhiên, dì Tuyết kêu lên khe khẽ: “Trời ơi…” rồi lặng thinh bơi tiếp. Con nhìn qua thấy dì không có vẻ chi là hoảng hốt hay có sự cố chi cả nên con cười và hỏi dì: “Trời ơi, răng rứa dì? Đẹp quá hả dì?” Dì chỉ cười hì hì.
Phía sông bên ni, có đoạn hoa súng màu hồng cánh sen nở thành từng cụm nổi lên giữa những mảng màu xanh đậm nhạt dịu êm mà con ngỡ mình đang bơi giữa chốn bồng lai tiên cảnh. Con liếc lên trên bờ thấy người ta đi lại trên đó mà con tủm tỉm cười thầm trong bụng. Từ nhỏ tới chừ, con đều lên chùa Linh Mụ bằng xe máy, xe đạp, đi bộ và nếu có đi đường sông thì đi bằng thuyền rồng, còn sáng ni là lần đầu tiên con… bơi lên chùa. Mẹ thấy con và dì Tuyết có giống hai con cá khổng lồ của sông Hương không ạ? Đang bơi thì có một con cá nhỏ búng lên rồi phóng xuống nước rất nhanh. Con chỉ kịp thấy thân cá màu bạc lấp lánh chứ chưa nhìn ra cá chi lại cá chi hết.
Bên tê sông phía phường Phường Đúc, có vài người cũng ra bến giặt quần áo và tắm sông. Dù ở phía xa không nhìn rõ trên bến nhưng trong đầu con vẫn thấy rõ mồn một hình ảnh bến sông với cặp nghê oai nghiêm và tinh xảo vô cùng. Có lần con, dì Tuyết và dì Dần đã bơi qua đó ngắm cặp nghê gác hai bên bến sông hẹp và suýt xoa khen mãi. Hôm đó, dì Tuyết còn hái cả trái sung ở bến đó mang về tặng chị Kim Lan để chị làm món sung chua ngọt nữa.
Hai dì cháu cứ bơi, đò cát và thuyền rồng cứ ngược xuôi bên cạnh. Con thấy thú vị vì được ngắm cảnh sinh hoạt của những người trên đò cát nhỏ gần đến như rứa (con không thích mấy chiếc đò cát to hầm hố mới xuất hiện trên sông Hương mấy năm gần đây!) Con bơi chậm lại để ngắm mấy cô bé, cậu bé chơi đùa trên nóc đò khi đò đang xuôi về thành phố mà thấy các em thật sướng vì có một cái sân chơi nổi đặc biệt như rứa. Mẹ biết rồi mà, đối với con gái mẹ, hạnh phúc chỉ giản đơn là nhìn thấy niềm vui lấp lánh trong những điều tầm thường và cả trong nỗi buồn hay niềm đau nữa…
Mẹ à, có bơi nhiều trên sông Hương mới biết rằng sông Hương không phải lúc nào cũng trôi lững lờ mà cũng có những lúc nước chảy mạnh hoặc có nhiều sóng cả trong những ngày nắng đẹp. Sáng nay, sông êm dịu nên con cứ nhẹ nhàng lướt đi trong nước như mọi khi. Con không hề vội vàng bởi con đã có dự định riêng. Con tính nếu bơi tới bến Linh Mụ rồi mà con mệt quá, không bơi về nổi thì con sẽ nhờ mấy chú xe ôm chở hai dì cháu về. Con còn định cột theo đôi dép trên chiếc bịch xanh – phao cứu sinh của con nhưng dì Tuyết nói không cần.
Đang bơi mà tự nhiên thấp thoáng suy nghĩ tới chuyện trở về, con bèn ngẩng đầu lên và nói với dì: “Dì ơi, con có đem 40 nghìn nơi á. Nếu mà hai dì cháu mệt quá thì mình sẽ đi về bến bằng xe ôm…”
“Bơi lên được thì bơi về được!” Dì nói chắc như đinh đóng cột.
Con không trả lời chi thêm. Lúc đó con nghĩ: “Kệ á, tới mô hay tới nấy!” nên cứ nhẹ nhàng bơi. Con quay lại phía sau thành phố đã xa dần và mặt trời đã lên cao chói lọi. Thiệt ra, không phải con sợ bơi về mệt mà con ngại phải bơi ngược nắng chói chang.
Từ phía nhà máy xi măng Long Thọ, khói bụi đang bốc lên ngút ngàn và lan qua cả mặt sông tới tận bờ bên ni. Con nhìn đám khói bụi mà lo sợ cho những người dân sống quanh đó. Con nghe mùi bụi xi măng trong không khí và trong nước nhưng đã lỡ bơi tới ngang đây rồi, con không muốn quay lại nên đành bơi nhanh qua đoạn ấy. Lúc ấy, con thương cho đôi lá phổi của mình thì ít mà thương cho người dân Thủy Biều và mẹ sông Hương phải thở trong bầu không khí đó mỗi ngày thì nhiều.
Gần tới chùa Linh Mụ thì có chiếc ghe máy trờ tới và con nhận ra hai anh chị trên ghe. Sáng mô khi con lục đục dọn dẹp tiệc trà đã tàn để ra về thì anh chị cũng chạy ghe ngang qua bến sông nơi con và mọi người hay ngồi. Ghe của hai anh chị tới đây rồi thì chắc đã 7 giờ sáng. Rứa là con và dì đã bơi hơn một tiếng đồng hồ rồi.
“U chào, bơi lên tận đây luôn à? Bơi về cho rồi. Bơi chi mà xa rứa…!” Chị bé ngồi trên ghe nói vọng xuống nơi con đang bơi.
“Dạ. Em và dì bơi lên tận bến chùa rồi sẽ quay về…!” Con vừa cười vừa trả lời.
Và, ơ tề, đã tới bến chùa Linh Mụ rồi! Hai dì cháu nhìn nhau cười rồi dì nói: “Hai dì cháu được ngắm cảnh đẹp rồi mà còn được ngắm người đẹp nữa!” Con nhìn lên bến thấy hai o con gái nhà ai đang diện áo dài. Người áo màu hường, người áo màu xanh ngọc đang tạo dáng trên những bậc cấp dẫn lên chùa. Nhìn họ nghiêng nghiêng chiếc nón lá mỏng tanh dễ thương lắm mẹ à, chắc là dễ thương cỡ … con gái mẹ rứa!
Còn ở mé bờ sông nơi thuyền du lịch vẫn hay đậu, có mệ nớ và một anh thanh niên (chắc là con trai mệ) đang phóng sinh và lượm rác quanh đó. Con nói với lên: “Con cảm ơn mệ!” Những người dễ thương như mệ và những người bạn sông Hương khiến con thấy mình không cô đơn khi dám mong muốn dang đôi tay nhỏ bé của mình ra để bảo vệ mẹ sông Hương, để mẹ được đẹp mãi, trong mãi. Vẫn còn những người như mệ, như dì Tuyết thì sông Hương sẽ còn. Con tin chắc rứa thế nên khi thấy hình ảnh mệ và anh thanh niên nhặt rác, con thấy thân thương và cảm động vô cùng.
Anh thanh niên đưa điện thoại lên chụp ảnh hai dì cháu. Con không thấy khó chịu bởi lòng con đang thầm cảm ơn anh vì đã giữ lại những khoảnh khắc quý giá của hai dì cháu. Khi hai dì cháu bơi lên bờ để trò chuyện với mệ, con mới té ngửa ra là mệ vẫn còn tre trẻ, chỉ mới 73 tuổi thôi, xấp xỉ tuổi mẹ đó. Tuy tóc đã bạc trắng, nhưng mệ, í nhầm dì chơ, dáng người còn nhanh nhẹn và khỏe mạnh lắm.
Sau khi nói chuyện với dì (con quên hỏi tên), và gọi nhờ máy điện thoại của anh thanh niên về cho mẹ xong, con và dì chia tay hai người để bơi về bến. Nắng đã lên rất cao và chói chang nên con vừa bơi vừa ti hí mắt. Bơi xuôi về dù nhanh hơn nhưng không thú vị bằng bơi ngược lên vì lúc về chỉ thấy cảnh thành phố nhà lầu nhấp nhô và còn bị ánh mặt trời làm cho chói mắt. Rồi con liều mình, con nhắm mắt bơi chứ không nheo mắt nữa. Hai năm trước, khi con còn bơi trong bể bơi, có nhiều lần con tập vừa nhắm mắt vừa bơi. Đó là cách con tĩnh tâm và làm dịu những mệt mỏi trong trí óc. Con tập bơi như rứa cũng là để nếu lỡ có một ngày con được bơi ở sâu thẳm dưới đáy đại dương hay phải bơi trong đêm tối.
Vì bơi nhắm mắt nên có khi con đâm đầu tông thẳng vô dì Tuyết bơi gần đó. Khi con mở mắt ra, con thấy dì đang vừa bơi vừa lấy cái bịch nhựa che trước mặt, dì cười khì và giải thích: “Đây là giải pháp tình thế!” Ui chao, dì của con thông minh quá! Biến cái phao cứu sinh lúc chưa cần dùng thành vật che nắng. Con nhìn dì và không nhịn được cười. Con cũng ưa bắt chước dì mà cuối cùng con quyết định không làm theo vì bơi kiểu ngỏng đầu như dì lâu con sẽ rất mau mệt và mỏi tay chân. Con tập mãi mà vẫn chưa rành kiểu bơi ni.
Khi con sắp nhăn nhó vì nắng thì con đã thấp thoáng thấy chiếc đò của ôn Tâm. Con thấy nhẹ cả người vì biết mình sắp về tới nơi và sắp không phải vừa bơi vừa nheo mắt nữa. Vài ngày một lần, đò của ôn Tâm đậu gần nơi con bơi mỗi sáng để đưa đón và đợi vợ của ôn đi châm cứu ở thầy Mạch – bác sỹ đông y nhà gần đình Kim Long.
Về tới nơi, con thấy em Dung đang giặt dưới sông còn trên bờ cậu con trai nhỏ đang đợi mẹ và núp nắng dưới bóng xe của dì Tuyết. Còn tiệc trà con bày ra sáng nay vẫn còn đó. Ấm trà và ly tách đang nằm phơi nắng chờ con và dì về uống tuần trà cuối cùng.
Sáng ni trước khi bơi, con lượm rác rến người ta cúng và thả xuống sông mà trong lòng bực dọc. Con thấy giận vì kể cả người sống nhờ vào dòng sông lại vô tình hay cố ý làm sông thêm ô nhiễm chỉ vì những hủ tục và thói quen xấu của mình. Còn giờ đây, sau khi đã bơi một vòng khá dài (chắc chừng 3 km), con lại lội xuống mé sông nhặt thêm mấy bao bì ni lông bị sóng tấp vào bụi cỏ, mà trong lòng không còn cảm giác bực bội nữa, con chỉ thấy thương mẹ sông Hương rất nhiều thôi, mẹ ơi.
Và mẹ ơi, sáng ni sau khi đã cùng thực hiện một mơ ước bơi lên chùa Linh Mụ với dì Tuyết xong, con lại mơ tiếp một giấc mơ to hơn. Đó là vào một ngày không xa, con được bơi cùng mẹ trên chính dòng sông ni – dòng sông tuổi thơ của mẹ và dòng sông hiện tại của con!
Con thương mẹ và mẹ sông Hương rất nhiều…!
Con gái
H.L.