Về vườn xưa. Khế đã chín vàng trên cành rồi mà Người không còn đây nữa. Không còn ai vui vẻ xách khoèo ra vườn hái khế cho tôi, không còn ai nghe những câu chuyện trên trời dưới đất tôi đem về kể và không còn ai chở tôi đi điền dã mỗi dịp cuối tuần để tôi hiểu thêm về vùng đất cả hai ôn con gọi là quê hương.
Gian nhà chính không còn ôn nên buồn hiu, vắng vẻ. Bộ bàn ghế gỗ tôi và ôn hay ngồi nói chuyện bên cửa sổ giữa những cổ vật vớt dưới sông Hương chừ cũng phủ lên một lớp bụi mờ. Có còn ai ngồi đó nữa đâu…
Trong gian nhà phụ, mệ đang một mình ngồi uống trà sáng – thói quen muôn thở của cả mệ và ôn. Trên bàn, mệ để ngay ngắn một tách trà khác nữa. Đó là tách trà của ôn. Mệ nói: “Sáng ni mệ định đưa trà lên nhà trên cho ôn mà nhác nên mệ noái ôn xuống đây ngồi uống với mệ cũng được…” Mệ nói như ôn vẫn còn đây, mệ nói như đang trong giấc mộng.
Tôi nói: “Dạ, mẹ của con noái con đem bưởi và thanh trà về thắp hương cho ôn…”
Rứa là hai mệ con, người bưng trái người bưng trà lên nhà trên đặt lên bàn thờ ôn. Mệ vừa sửa soạn lại bàn thờ vừa rỉ rả lời than cũ mà mệ hay nhắc đi nhắc lại từ ngày ôn mất: “Tội chưa… rứa mà đi rồi…”
Từ ngày ôn đi xa, tôi cũng ít về thăm vườn hơn hồi ôn còn sống. Không phải tôi quên mà vì mỗi lần về nhìn cảnh cũ người không còn tôi thấy nhớ và buồn thương quá đỗi. Mệ nói thay nỗi lòng tôi khi bất chợt thốt lên: “Cứ mỗi khi nhìn thấy mấy cái đồ (hiện vật cổ) của ôn là mệ thấy đau lòng quá!” Mà đồ ôn sưu tầm đâu phải chỉ có vài chục cái. Nào là lu hũ, bình vôi và vô số món đồ gốm khác mà tôi chưa biết tên nằm chen chúc với sách trong nhà, tràn ra cả ngoài hiên và lăn lóc tới tận ngoài vườn. Mỗi bước đi là chạm vào những kỷ vật nhớ thương thì làm sao mệ nguôi ngoai cho được.
Mệ kể ôn mất mà linh lắm, cứ về nói chuyện với mệ hoài. Ôn khuyến kích mệ đi chơi cho khuây khỏa tâm hồn. Có lần chị Bé con gái ôn mệ nằm thấy ôn về đập chị dậy để đi làm kẻo trễ nữa. Mệ kể, giọng mệ sống động đến độ tôi như cũng có mặt lúc đó để chứng kiến cảnh ôn về. Mệ cũng kể rằng ôn về ôn có nhắc tôi: “Con Lan lâu ni đi mô mà khôn về chơi?” Cũng câu ấy, ngày xưa mệ hay hỏi ôn mỗi lần tôi vắng về thăm ôn mệ lâu ngày. Ôn thì lúc nào cũng hóm hỉnh trả lời mệ: “Con nớ hắn đi như ngựa í. Chắc hắn đi theo mấy cái thằng Tây thằng Tàu mô rồi.”
Chuyện chi của tôi ôn cũng rành lắm vì ôn không chỉ là người thầy tôi kính trọng mà còn là người bạn tâm giao để tôi có thể trút hết bầu tâm sự và nỗi niềm của mình. Mỗi lần tôi tới nhà ôn mà gặp dịp có khách thì ôn đều giới thiệu tôi là bạn vong niên của ôn. Tôi khó mà định danh ôn là gì đối với tôi, chỉ biết đó là một người rất quan trọng trong cuộc đời tôi, là món quà quý giá mà Ông Trời đã mang đến để tôi được học hỏi, để tôi được chia sẻ những suy nghĩ từ nghiêm túc cho tới khùng điên của mình. Tôi tiếc cho mình vì đã có những lúc tôi không trân trọng từng giây từng phút bên Con Người đặc biệt đó.
Hồi ôn còn sống, tôi vẫn hay nói đùa: “Cái chi con cũng hỏi ôn ri thì đến vài bữa ôn lên Ngự Bình nằm, con biết hỏi ai?” Ôn lúc nào cũng như quyển từ điển sống, là Bác Google cổ lỗ sĩ không của riêng tôi mà của cả những người yêu văn hóa và lịch sử vùng đất Thừa Thiên. Những lúc ấy, ôn chỉ cười mà đáp rằng: “Thì mi lên Ngự Bình mà hỏi.” Hai ôn con nói bông đùa về chuyện sống chết, xem nó nhẹ nhàng như chiếc lá rơi có lẽ là bởi cả tôi và ôn không ai ngờ ôn ra đi đột ngột đến thế. Ai cũng tưởng cái ngày ấy còn xa, xa lắm…!
Cả cuộc đời ôn quẩn quanh trong khu vườn gốm của mình chứ không ưa lang thang tới mấy cái vùng đất lạ như tôi bởi ôn bảo những thứ sau hè ôn còn chưa học hết chơ cần đi mô cho xa. Nhờ trái ngược nhau thế mà lại hay. Ôn kể cho tôi nghe chuyện xa xưa ôn đọc được qua những đồ gốm sau vườn hay trong những trang sách cũ đã ố vàng còn tôi khoe với ôn chuyện bụi đường Bagan xa xôi, sóng nước Mekong mênh mông, đền đài Angkor xưa cũ, bình minh Borobudur yên bình cho tới Vạn Lý Trường Thành quanh co, kỳ vĩ. Giờ thì ôn đã có thể đi thiên thung mang nai trong cõi Trời cõi người rồi. Còn chi hạnh phúc và tự do bằng phải khôn ôn ơi?