Hồi nhỏ cứ tới dịp rằm Trung Thu mẹ tôi lại mua cho tôi một chiếc lồng đèn dán giấy kính, cái trống nhỏ hoặc mặt nạ hình các nhân vật cổ tích hay trong phim Tây Du Ký. Mẹ cũng mua thêm bánh nướng hình con lợn có hai mắt đen làm từ hạt đậu nữa. Chừng đó thôi cũng đủ khiến Trung Thu ấu thơ của tôi tràn ngập niềm vui.
Khi lớn lên rồi, mỗi lần nghe tiếng trống múa lân tôi không còn cảm thấy náo nức như xưa nữa dù tôi vẫn thoáng đợi chờ mỗi dịp rằm Trung Thu về để được nhấm nháp chiếc bánh nướng nhân thập cẩm có cả hạt dưa, lạp xưởng và mỡ lợn béo ngậy. Năm nay, lo lắng về chuyện an toàn thực phẩm nên tôi quyết định nhịn ăn bánh Trung Thu. Nhưng đúng như người ta nói nếu mình có mong muốn chính đáng (được ăn bánh Trung Thu ngon, lành, sạch) thì Ông Trời sẽ lắng nghe và đáp ứng. Có mấy người bạn chọn phong cách sống thuận tự nhiên và ăn thực dưỡng rủ qua nhà anh Hàn ở Thủy Biều làm bánh và phá cỗ trông trăng. Thế là, đi làm về tôi chạy thẳng lên nhà anh Hàn. Đến đầu ngõ, tôi gặp ngay cậu nhóc nhà anh đang chạy ù ra trước cổng. Kem chào tôi xong thì hào hứng khoe là nhà cháu mới có đoàn lân vào múa. Tôi thấy vui lây niềm vui trẻ thơ của cậu nhóc vừa mới lên lớp 1 này.
Tôi vào thẳng bếp và thấy Yên – vợ anh Hàn, và Tiên đang hí húi nhồi bột làm bánh. Tôi chưa làm bánh Trung Thu bao giờ và cũng không khéo chuyện bếp núc nên chỉ phụ hai bạn mấy việc lặt vặt. Đây là lần đầu tiên Tiên và Yên làm bánh Trung Thu nhưng hai nàng có vẻ tự tin lắm, nhất là Tiên. Sau khi nhồi bột và làm nhân xong, công đoạn vui và dễ nhất là đúc bánh bằng khuôn. Cả Kem cũng “đua đòi” xin tham gia đúc bánh nữa. Cái bánh đầu tiên Tiên đúc ra rồi đặt lên bàn tay, em nâng niu như là một tác phẩm nghệ thuật thật sự. Mà cũng đúng thôi, đó là chiếc bánh Trung Thu đầu tiên em làm mà! Bọn tôi ai cũng thấy vui quá chừng.
Khi chiếc bánh đầu tiên được đúc ra thì lò nướng bằng đất sét do anh Hàn tự tay xây cũng đã nóng và sẵn sàng chờ nướng mẻ bánh đầu tiên. Nôn nóng muốn biết sau khi nướng bánh sẽ thế nào nhưng cũng rất thận trọng nên chúng tôi quyết định nướng cái bánh đầu tiên đó xem sao. Sau vài lần kéo ra đẩy vào lò nướng, cái bánh đầu tiên đã chín và thơm phức. Ai nấy bụng đang đói nên quyết định cắt chiếc bánh nhỏ đầu tiên đó ra nếm thử. Có thể nói đó là miếng bánh Trung Thu nhỏ nhất mà đặc biệt nhất trong đời tôi từng ăn. Có lẽ do nó được làm nên từ niềm vui và tình yêu thương của những người tham gia làm ra nó. Những chiếc bánh Trung Thu hôm đó đều ngon lành bởi một lý do khác nữa: được làm từ nguyên liệu tự nhiên trộn với mật mía (chứ không phải đường cát trắng tinh luyện) và không hề có chất bảo quản.
Trong khi Tiên và Yên đúc hết số bánh còn lại thì anh Hàn, cu Kem và con trai của bác chủ nhà nặn bánh trôi. Kem nặn bánh tròn và đều không khác gì một người bán bánh trôi chuyên nghiệp. Ai bảo con trai không khéo chuyện bếp núc nào?
Khi trăng đã lên cao, bánh Trung Thu đã nướng chín, và nước đường mật mía pha gừng để nấu bánh trôi cũng đã sôi, chúng tôi trải chiếu ra khoảng sân trước nhà để bắt đầu phá cỗ trông trăng. Trên mảnh chiếu hẹp trong khu vườn thanh trà ngập tràn ánh trăng, bánh Trung Thu, hạt dẻ, hạt bí, bánh trôi mới nặn và cả một quả thanh trà xinh xắn còn nguyên cuốn và lá đã được bày lên. Anh Hàn còn cầu kỳ nhen thêm một bếp than mang ra ngoài trời để vừa thưởng thức bánh Trung Thu, vừa ngắm trăng và thả bánh trôi. Nồi nước gừng bắt trên bếp than thơm ngát bắt đầu sôi là khi Tiên bắt đầu nhẹ nhàng thả những viên bánh trôi vừa trắng vừa tròn vào nồi còn Yên thì cẩn thận cắt từng chiếc bánh Trung Thu sao cho thật đẹp. Nhìn Yên cắt bánh mà dường như ai nấy đều lặng thinh ngắm nhìn như người ta xem người Nhật pha trà đạo.
Trăng lần lên cao hơn và vượt ra khỏi mấy đám mây vỡ nát như đậu hủ đã múc ra chén nên sáng trong hơn và đẹp hơn rất nhiều dù chưa tròn vành vạnh. Mấy trái thanh trà được trăng chiếu vào sáng lên như những chiếc đèn lồng tròn nhỏ treo lủng lẳng trong vườn. Đêm rằm Trung Thu mới thật sự bắt đầu khi Kem đem chiếc đèn lồng ông sao dán giấy kính mà mẹ Yên làm còn Kem tự tay trang trí ra nhờ mẹ thắp nến lên. Khi ngọn đèn điện đã tắt, khoảnh sân trải chiếu giờ chỉ còn ánh trăng, ánh nến từ đèn lồng và ánh lửa từ bếp than chiếu sáng. Tôi không chỉ được nếm vị ngọt của bánh Trung Thu trên đầu lưỡi mà còn ngửi thấy mùi thơm dìu dịu của nước gừng, của ánh trăng, của đêm, của lá, của gió hòa quyện vào nhau. Một cảm giác yên vui khó tả bằng lời. Và khi thốt ra, nó chỉ đơn giản và bâng quơ là: “Trăng đẹp quá!” như thể chỉ có mỗi trăng thôi, không còn thứ gì khác đáng được khen nữa. Mà cũng đúng thôi, đêm nay là đêm của trăng mà. Những bánh, những nến, những đèn lồng này bày ra là để mừng đêm trăng đẹp mùa thu.
Bánh trôi đã nổi lên rồi. Chín rồi. Múc ra chén thôi. Trăng trong chén do ba người đàn ông nặn nên cũng thơm cũng đẹp như trăng trên cao vậy. Trăng béo ngọt trong nước gừng nóng cay cay khiến cho đêm phá cỗ trông trăng càng thêm thi vị. Cảm ơn nhé đêm trăng và những người bạn chọn cách sống hài hòa với trăng và những thứ quanh mình.